Câu chuyện hội nhập văn chương

HIỆN NAY TRÊN BÁO CHÍ CŨNG NHƯ TRONG CÂU CHUYỆN HÀNG NGÀY CỦA GIỚI CẦM BÚT, NHIỀU NGƯỜI HAY BÀN ĐẾN CHUYỆN “HỘI NHẬP “. ĐỂ GIÚP BẠN ĐỌC CÙNG TÌM HIỂU VẤN ĐỀ NÀY, CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ CUỘC TRAO ĐỔI SAU ĐÂY VỚI CÁC NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC, TRẦN ĐÌNH HIẾN, NGUYỄN VIỆT HÀ VÀ VƯƠNG TRÍ NHÀN.

Các ông có thể giải thích sự quan tâm của dư luận rộng rãi đối với vấn đề hội nhập ?Quá trình đó đang diễn ra như thế nào ?
Trần Đình Hiến: Toàn cầu hoá kinh tế đang là xu thế thế giới. Mà kinh tế và văn hoá liên quan mật thiết với nhau, nên anh có muốn từ chối hội nhập về văn hoá cũng không được.

Nguyên Ngọc:
Quan trọng hơn cả lúc này là thống nhất với nhau một quan niệm : hội nhập là tất yếu, thậm chí là sống còn. Bởi lẽ đang còn không ít người ngại hai chữ hội nhập, sợ hội nhập thì rất dễ mất cái gọi là “bản sắc”.

Vương Trí Nhàn
Tôi xin nêu ra một chi tiết chứng minh cho nhận xét trên của anh Nguyên Ngọc : Năm 1995, trong một bài báo in trên Văn nghệ, tôi đã đặt vấn đề cần bảo nhau lo hội nhập để tránh nguy cơ tụt hậu của văn học. Lúc ấy, có một số người không đồng tình, còn nói chung là không mấy ai để ý. Dăm năm gần đây, hội nhập như đã trở thành chuyện mọi người cùng quan tâm. Nhưng tình hình đáng quan ngại theo hướng khác. Đó là nhiều người viết văn đang trong trạng thái lùng nhùng, vừa muốn hội nhập vừa ngại ngần, chỉ lo nếu hội nhập thì rồi liệu mình có viết được nữa, và có ai đọc mình nữa không. Lâu nay trì trệ nên giờ nghĩ tới thay đổi là e sợ. Bí quá liền xoay ra cù nhầy, bám vào chuyện bản sắc để níu kéo nhau lại.
Thế nhưng dẫu sao nỗi lo mất bản sắc vẫn là nỗi lo chính đáng.

Nguyên Ngọc
Đặc điểm của cơ thể sống là gì? Đó là sự trao đổi chất (métabolisme). Một cơ thể sống khác với một cơ thể chết là ở chỗ nó luôn trao đổi chất với môi trường chung quanh. Khi quá trình đó dừng lại, lập tức cái chết đến ngay. Cuộc sống nói chung là vậy, văn học càng vậy, vì nó là bộ phận tinh chất của sự sống của một xã hội. Cái ao đã rất tù và chẳng sạch sẽ gì, mà còn khư khư “ta về ta tắm ao ta”, thì chẳng thể có cuộc hội nhập nào cả.

Nguyễn Việt Hà:
Đã là nhà văn thứ thiệt thì đương nhiên có bản sắc. Cái bản sắc đấy không phải hình thành trong ngày một ngày hai mà từ nhiều nguồn, tất cả những cái đó ăn sâu trong máu nhà văn. Nên không bao giờ có chuyện trong một hoàn cảnh nào đó nhà văn sẽ mất bản sắc. Càng hội nhập bản sắc càng rõ nét.

Vương Trí Nhàn :
Để có thể giữ gìn bản sắc, trước tiên cần phải biết mặt mũi cái bản sắc ấy ra sao. Mà trong chuyện này, hình như chưa ai nói được một cách thuyết phục, ngược lại nhiều người thường khi là nói vơ vào,và toàn “thuyết “ những chuyện đâu đâu để yên lòng nhau.Thành thử nói ra có vẻ nghịch lý nhưng đúng vậy : chính qua tiếp xúc với người mà mà rồi ta mới biết mình hay ở chỗ nào dở ở chỗ nào. Qua người hiểu mình, qua hội nhập mà xác định được bản sắc, đấy là một lý do nữa buộc ta phải tính chuyện hội nhập. Còn đối lập hội nhập với giữ gìn bản sắc là một cách đối lập giả tạo.
Hẳn nhiều điều còn có thể nói tiếp, liên quan tới những quan niệm sai lầm nó khiến chúng ta không dám mạnh dạn và do đó chưa làm tốt công việc hội nhập ?

Nguyên Ngọc :
Đương nhiên hội nhập chỉ có nghĩa khi ta hiểu nó một cách khoa học.Chỉ hội nhập với cái giống mình, từ khước tất cả những gì khác mình, thì chẳng có nghĩa gì cả, chẳng để làm gì cả, chẳng sinh sôi ra được cái gì cả. Văn chương thế giới cả thế kỷ qua không hề đứng yên, trái lại đã và đang trải qua những chuyển động vũ bão, hiện đại, hậu hiện đại, rồi hậu hậu hiện đại (hay còn gọi là tân cổ điển) v.v... Hình như có quan niệm cho rằng tất cả những thứ đó đều là “sa đoạ”, hư hỏng, hay ít ra là “tầm phào” cả thôi, hội nhập vào đó chỉ tổ “mất mình”. Nghĩ như vậy thì chẳng khác gì cho rằng cả thiên hạ đều ngu cả, hư cả, chỉ duy nhất có ta là sáng suốt nhất, trong sạch nhất. Chỉ xin nhắc lại rằng lịch sử đã cho chúng ta một bài học còn lớn hơn số phận của văn học nhiều: cách đây hơn một trăm năm chúng ta đã mất nước chính vì một cách nghĩ “trong sạch”, “thà đui mà...” như vậy đấy. Trong thế giới này đui thì chết chứ chẳng giữ được đạo nào đâu!
Một lý do chính đáng khác để nhiều người chân thành ngần ngại trước việc hội nhập là những chuyện phiền lòng : cùng với việc tràn lan phim thương mại, phim Sex hạng ba của Mỹ, châu  u, là các loại học đòi pha tạp trong ăn mặc cư xử nói năng viết lách...

Vương Trí Nhàn
Thuở giao thời bao giờ chẳng lắm chuỵện nhố nhăng, chỉ cần giở thơ Tú Xương với văn Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng là thấy ngay, thậm chí ở đây còn có thể nói tới một thứ “ truyền thống “ cần từ bỏ : khi tiếp nhận văn hoá nước ngoài, ta thường chỉ học lỏm học mót và dễ học những cái xấu hơn cái tốt. Tuy nhiên, càng biết như vậy lại càng phải đặt vấn đề hội nhập một cách nghiêm chỉnh, tức là có sự nghiên cứu kỹ càng, tìm được sách lược chiến lược khôn ngoan linh hoạt, và thường xuyên biết vượt qua cái lầm lỡ nhất thời để chọn lấy cái tốt đẹp. Trong chuyện này, có nhiều kinh nghiệm nước ngoài có thể học tập.

Trần Đình Hiến
Đúng vậy, bên Trung quốc ban đầu cũng có những người viết tiểu thuyết theo lối học vẹt, mô phỏng cách kể chuyện, mô phỏng kỹ thuật đơn thuần của phương Tây, và viết ra những tác phẩm ngô nghê. Đến khi biết tìm hiểu phương pháp quan sát cuộc sống, quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về thế giới và tìm ra cách áp dụng vào Trung quốc, họ mới thành công. Mạc Ngôn là một trong số các nhà văn đó. Văn hoá Trung quốc là một nền văn hoá lớn, bản thân hoàn cảnh lịch sử và xã hội của họ cũng có những điểm rất gần gũi chúng ta. Nhưng cũng có những cái rất khác. Chúng ta không cần có một Mạc Ngôn phẩy, Mạc Ngôn thứ hai... mà điều văn học ta cần chính là những nhà văn biết cảm nhận thời cuộc của ta thấm thía như Mạc Ngôn cảm nhận hiện thực Trung quốc, để có được tác phẩm lớn.
Đã rõ là công cuộc hội nhập trong văn học đang trong tình trạng lờ đờ uể oải. Vậy đâu là những việc cấp thiết cần làm để sớm có một cuộc bứt phá như nhiều người đang mong mỏi ?

Nguyễn Việt Hà
Muốn hội nhập thì phải cả hai chiều vào và ra. Đầu ra của ta tới quốc tế quá mỏng manh. Tại sao lại thế thì nhiều người đã sâu sắc phân tích. Tôi đồng ý với ai đó đã nói nôm na là sự hội nhập sẽ là có thật nếu văn học chúng ta giật vài giải thưởng có uy tín. Nobel thì mờ mịt quá. Nhưng gần gần Nobel thì cũng phấn khởi lắm rồi. Đến lúc đó bàn chuyện hội nhập chắc thiết thực hơn.Tôi muốn đặt sứ mạng đưa văn chương sánh vai các cường quốc năm châu vào tài năng và công phu tự đột phá của các nhà văn.

Nguyên Ngọc
Ngoại ngữ là một trong những điều kiện thiết yếu nhất để người viết văn ở ta có thể tiếp nhận được tinh hoa của thế giới, cũng như có thể đi ra thế giới. Phải nói thật điều này: thế hệ các nhà văn đang cầm bút của chúng ta hiện nay là thế hệ kém ngoại ngữ nhất trong lịch sử văn học dân tộc ! Nền dịch thuật lại đang lộn xộn, đang bị thả rông mặc xác cho thị trường đánh phá tơi bời. Các nhà văn trẻ phải tự cứu lấy mình đi, và một trong những cách tự cứu quan trọng nhất là ra sức học thật giỏi ngoại ngữ, để ít ra biết được rằng trên thế giới người ta đang thật sự làm gì, và mình thì đang đứng ở đâu. Biết mình, biết người... Nếu không thì thật là vô vọng.

Khánh Phương và Đức Trung ( thực hiện )
SỐ TRUY CẬP đang online