VĂN CHƯƠNG VÀ SỰ CHÍNH XÁC

Sai lầm trong công việc là điều khó tránh khỏi. Có điều, cái gì sai cần được nói lại cho đúng. Không nên im lặng sống mãi với những cái tưởng là sự thực chỉ vì lý do duy nhất : nó đã được nhiều người chấp nhận.

Tản Đà toàn tập gồm có năm tập ( mới in ra quý I/ 2002 ) thì riêng tập bốn dành cho các bản dịch. So với toàn tập Xuân Diệu hoặc toàn tập Nguyễn Tuân mới in ra mấy năm trước thì đây là một bước tiến : không biết vì sao, những bản thơ Nazim Hikmet hoặc một số truyện ngắn của Tchékhov, trong cái hình thức tiếng Việt nhiều khi đạt tới sự hoàn hảo mà Xuân Diệu và Nguyễn Tuân thực hiện, đã không trở thành một phần sự nghiệp của các ông ; và lẽ nào đó không phải là điều đáng tiếc ?!
Nhưng Toàn tập Tản Đà còn có một ghi chú khiến một số người không khỏi sửng sốt : lâu nay bản tiếng Việt của bài thơ Phong Kiều dạ bạc (Trăng tà chíếc quạ kêu sương --- Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ... ), vẫn được xem là một niềm tự hào của ngòi bút dịch thuật Tản Đà thì nay thấy ghi rõ : đó là bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh. Xem kỹ lại thấy Nguyễn Mạnh Bổng từ hồi tập hợp Tản Đà vận văn (1944) hoặc Nam Trân và các đồng sự khi soạn hai tập Thơ Đường (1962 ) đều đã không xem Tản Đà là người dịch Phong Kiều dạ bạc. Nhưng ở ta cái gì đó một khi đã thành hình và có một vẻ ngoài hợp lý thì nó bền lắm, về sau biết là có sai nhiều người cũng lẳng lặng lờ đi không muốn chấp nhận sự cải chính. Có thể nói đây đang là cả một thói quen thâm căn cố đế đang ngự trị. Hình như với nhiều người, một bản dịch tuyệt vời như Trăng tà chiếc quạ kêu sương không thể thuộc về một ngòi bút dịch thuật nào khác, phi Tản Đà không ai có thể dịch hay đến thế. Bởi vậy cái việc minh định lại tên người dịch và rút bản dịch ra khỏi sự nghiệp Tản Đà không chỉ là một làm cần thiết mà trong hoàn cảnh tâm lý nói chung còn phải được coi như một việc dũng cảm nữa.
Một câu chuyện khác trong giới dịch thuật gần đây cũng nên được chú ý : Lâu nay, bản tiếng Việt của tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Nguyễn Trung Đức cùng hai cộng sự (được dịch thẳng từ tiếng Tây Ban Nha )vẫn được coi như một tác phẩm hoàn hảo. Thế nhưng một bài trên tạp chí Tia sáng số ra 6/2002 đã nêu lên chỗ đáng ngờ của bản dịch bằng cách đối chiếu một đoạn nhỏ giữa bản tiếng Việt với các bản tiếng Anh tiếng Đức,và nhờ một người biết tiếng Tây Ban Nha khảo lại để rồi chỉ ra những lầm lẫn mà nếu đọc nhanh đọc vội người ta sẽ bỏ qua, song nếu đọc kỹ sẽ thấy vừa không đúng với điều tác giả muốn nói, vừa vô lý, không cần biết ngoại ngữ nào cũng đã thấy vô lý. Tại sao điều này đến nay mới được nói ra,lý do có thể có nhiều nhưng suy cho cùng lý do quan trọng nhất là lâu nay chúng ta hình như không có thói quen xem xét lại độ chính xác của một bản dịch. Cả nước mình có được bao nhiêu người biết tiếng Tây Ban Nha không rõ, song trong số đó mấy ai chịu lao đầu vào một công việc rắc rối như dịch thuật, nhất là dịch tác phẩm cổ điển hoặc những tác giả được Nobel văn chương ? Vậy thì có được bản dịch của Nguyễn Trung Đức đã là phúc lắm rồi ! Sinh thời Nguyễn Trung Đức vẫn được coi như một người làm việc cẩn trọng, nhất là một người tử vì đạo, cam lòng sống trong cảnh hàn vi miễn sao được làm cái công việc thiêng liêng là chuyển những kiệt tác kia ra tiếng Việt, có phải dễ gì mà trong giới dịch thuật hiện nay tìm được người tâm huyết như vậy. Vả chăng, giả sử có người giỏi tiếng Tây Ban Nha hơn dịch giả ( hoặc sử dụng những người biết tiếng Anh tiếng Pháp để đối chiếu ) thì liệu họ có chịu nhận công việc soát xét lại bản dịch vốn dễ gây phiền phức ? Rồi tiền đâu mà chi cho cái công việc rắc rối đó ? Đã có bao nhiêu lý do khiến cho lâu nay bản dịch của Nguyễn Trung Đức được xem như một bản dịch chuẩn, và đôi khi nếu có ai đó trong lúc trò chuyện tỏ ý phải khảo lại các bản dịch ấy xem chúng chính xác đến đâu thì những người chung quanh sẽ cười ồ lên : người này cho rằng nói thế là xúc phạm một người có tâm ; người khác cười khẩy bảo rằng đó là cả một công việc hoang tưởng không bao giờ làm nổi.
Nên bảo rằng một thói quen qua loa đại khái đã hình thành chắc chắn trong cách làm việc của chúng ta ?
Hay nên nói rằng nay là lúc chúng ta rất yếu lòng, không đủ niềm tin và nghị lực tìm tòi cho kỹ một cái gì hết, và chỉ còn cách bảo nhau rằng cái gì làm được đều đã đáng quý lắm rồi, cái gì hôm qua đã được đông đảo mọi người chấp nhận thì đó là sự thực ?
Hình như cả hai cái lý do nêu trên đều đúng !
Gộp chung cả hai trường hợp Phong Kiều dạ bạc với Trăm năm cô đơn : Bằng kinh nghiệm riêng, tôi ngờ rằng cái việc xác định ai là tác giả bản dịch Trăng tà chiếc quạ kêu sương kia còn cần phải được chứng minh tiếp tục. Liệu Nguyễn Hàm Ninh (1808—1867) một người từng là bạn xướng hoạ thơ với Cao Bá Quát có thể có cái giọng mới như vậy ? Cũng như không biết bao giờ lại có ai đó đứng ra dịch lại Trăm năm cô đơn và cứ tình hình làm ăn của ta hiện nay thì không có gì bảo đảm là sẽ có một bản dịch khá hơn. Song tôi cứ thấy vui vui khi chúng ta bắt đầu công bố những việc này trước dư luận. Trong văn chương vẫn có chỗ cho sự chính xác. Những con số liên quan đến năm sinh tháng đẻ của một tác giả, năm tháng và nơi chốn ra đời một tác phẩm. Những cứ liệu cần thiết cho việc xác định ai là tác giả của một văn bản. Sự sửa chữa thay đổi của một tác phẩm qua những lần xuất bản khác nhau. Sự trung thành với nguyên tác của một bản dịch...Bấy nhiêu dữ kiện nếu không đạt tới sự chính xác cần thiết ( chính xác theo nghĩa đen, nghĩa số học hai với hai là bốn ) thì mọi nhận định về sau, dù hay ho đến mấy cũng là suy diễn vô nghĩa.
Một điều nữa thuộc về tâm lý mà chúng ta nên bảo nhau : những người thích mang những thành kiến đã được chấp nhận ra xem xét lại không phải là những kẻ xấu, “ những kẻ bới lông tìm vết” như dân gian vẫn nói, mà thực sự là những người có đóng góp. Miễn là công việc được họ tiến hành một cách khoa học thì nó cần được xã hội khuyến khích. Sau nữa, một khi đã biết là có sai lầm trong khâu tư liệu thì nhất thiết phải sửa. Có lần tôi nghe mấy nhà giáo thắc mắc với một vài chuyện mà báo chí mang ra bàn cãi. Họ bảo vấn đề này đã được đưa vào sách giáo khoa rồi, đề nghị không thảo luận nữa, thảo luận mãi làm thày giáo và học sinh hoang mang. Ơ hay, nhà trường phải giảng dạy sự thực chứ sao lại bắt sự thực phải uốn mình theo điều sách giáo khoa đã viết ( như kiểu gọt chân cho vừa giày )? Khi sự thực được xác minh lại, sách giáo khoa cũng phải sửa, điều đó có gì là lạ ? Theo hướng này mà nghĩ thì tiếp theo việc công bố ai là dịch giả Phong kiều dạ bạc và việc khảo lại tính chính xác của Trăm năm cô đơn, chắc chắn còn có nhiều sự kiện văn chương khác vốn đã được đặt dấu hỏi cần phải được đưa ra trước công luận.
SỐ TRUY CẬP đang online