Tay phải tay trái

Thời nào thì việc các nhà văn tham gia vào sinh hoạt báo chí cũng là một chuyện bình thường. Riêng ngày hôm nay, cái sự viết báo lại có ý nghĩa mới về mặt kinh tế.
Thử làm một phép tính:
Để những tờ báo ra để lấy tiếng, bất chấp lỗ lãi sang một bên, có thể thấy là hơn bù kém trung bình một tờ báo hiện nay cũng phải in ra một số một bạn bản.
Trong khi đó, mỗi cuốn sách in ra chỉ có một ngàn.
Theo quy luật kinh tế thị trường, cố nhiên là thứ hàng làm cho một vạn người đọc (tạm tính thế) phải được coi trọng và trả công cao hơn thứ hàng dành cho một ngàn.
Nói cách khác, nhuận bút trả cho một bài báo có nhiều hơn nhuận bút của chính bài báo đó khi in vào sách, cũng là dễ hiểu.
Thành thử, lại cũng là một điều dễ hiểu khi thấy không ít nhà văn gần đây đổ xô đi viết báo. Ngoài những bài thơ hay thiên truyện nhờ báo giới thiệu trước khi gom thành sách, họ còn viết đủ thứ tạp nham mà chỉ báo chí mới cần. Chỗ trong nghề với nhau, người ta bảo nhiều vị hiện viết cả hai tay, tay phải và tay trái (Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên đã đặt mấy câu vè miêu tả tình trạng “nhà văn làm việc này để có cái ăn và yên tâm tính một việc khác”: Lấy ngắn nuôi dài lấy ngoài nuôi trong lấy Kim Đồng nuôi người lớn).
Chỉ phiền một nỗi viết báo một hồi một số nhà văn đâm ra “mải vui quên hết lời em dặn dò”, ai ới một tiếng nhờ viết cho báo là có mặt ngay, còn lúc quay trở lại với văn chương thực thụ thì hết sức ngần ngại. Đại khái trước mặt chúng ta hiện ra một người tay phải thì nhăn nhúm đờ đẵn còn tay trái thì hồng hào béo tốt và thoăn thoắt hoạt động. Có điều, người ta ai cũng vậy thôi nhìn sự biến dạng ở người khác thì rất nhanh, còn sự biến dạng của chính mình, mấy khi tự nguyện chấp nhận?!
So với các nghề khác, nghề viết văn vốn có một nhược điểm rõ rệt: tính chất chập chờn không ổn định. Không phải mọi việc tuần tự như tiến, cái chưa viết hơn cái đã viết, năm trước kém thì năm sau khá lên. Mà nhiều khi chữ nghĩa cứ như ma trơi, cái định làm, bỏ công hùng hục làm thì không thành, còn cái tưởng là “viết chơi viết bời” lại hoá ra đứng được. Huống chi viết báo còn có ích ở chỗ nó tập cho người ta thói quen làm việc đều đều, nhất là không chỉ biết viết theo cảm hứng, mà còn biết làm theo đơn đặt hàng có sẵn trong giới hạn thời gian nghiêm ngặt - tóm lại là những phẩm chất phải nói là cần thiết cho con người trong thời hiện đại.
Tuy nhiên, ở đây, còn chứa đựng một nguy cơ nữa mà nếu không cẩn thận người ta rất dễ sa sẩy.
Số là thông thường, các nhà văn khi làm nghề tay trái thường ký các bút danh khác. Tên vợ. Tên con. Tên làng quê. Ai đã vướng vào nghề cầm bút đều biết, khi đã có chút danh rồi, chút danh tưởng là bơ vơ hão huyền kia cũng đủ đè nặng lên mình rất ghê, nó buộc người ta phải đắn đo trước trang giấy, cốt sao viết ra khỏi xấu hổ với cái tên đã phần nào trở nên quen thuộc. Còn khi sử dụng một chút anh không ai biết, giống như một thứ mặt nạ, chao ôi, phải nói là thú vị lắm! Người ta tha hồ muốn viết thế nào thì viết. Tai vạ bắt đầu từ chỗ ấy. Xưa những Thạch Lam, Nguyễn Tuân chỉ viết mấy dòng tin ngắn vẫn có cốt cách riêng, đọc biết ngay, bởi các vị ấy bản lĩnh dày dặn, có muốn khác mình cũng không khác nổi. Còn phần đông chúng ta ngày này “phận mỏng cánh chuồn”, động làm nhanh làm ẩu một chút là hoá làm ẩu.
Nếu như lúc ấy không tỉnh táo buộc mình dừng lại, mà còn để con người lười biếng nơi mình ỏn thót huyễn hoặc “không, dẫu sao bài báo của mình vẫn có chất văn”, “chẳng qua ham vui viết báo, chứ trước sau mình vẫn là nhà văn”, thì cái sự đánh mất mình thật là hoàn toàn, không gì cứu vãn nổi.
SỐ TRUY CẬP đang online