. Quyền được hách

Trong lời giới thiệu viết cho Tuyển tập Nguyễn Bính 1986) nhà văn Tô Hoài từng kể lại cái cảnh lần đầu được gặp tác giả Lỡ bước sang ngang như sau:
“.. Còn nhớ Nguyễn Bính mặc bộ quần áo tây trắng đã tã, ống quần và ống tay áo cũng lờm xờm như tóc tai... Bắt tay rồi, Nguyễn Bính hỏi tôi:
- Này có tiền không?
Như đã biết nhau từ bao giờ. Tôi cảm động được anh hỏi han thân tình như thế. Tôi mỉm cười. Thế là, cũng chẳng đợi tôi trả lời, có lẽ cái cười hiền lành của tôi đã khiến anh thấy tôi sẵn sàng rồi. Anh sai luôn:
- Vào bánh giò “Đờ măng” mua dăm chiếc nhé, năm chiếc cũng không thừa đâu. Từ sáng tớ chưa được miếng nào vào bụng”.
Đọc qua cả đoạn, bạn đọc thường thường - trong đó có cả người viết bài này - chỉ mang máng đoán ra ẩn ý của Tô Hoài: hẳn ông muốn mách cho ta thấy cái nhếch nhác của đám người cầm bút lúc bấy giờ. Nhưng trong một lần nói chuyện riêng với ông, tôi được ông thổi thêm vào tai:
- Nguyễn Bính tài thì tài thật, nhưng phải cái tật là tự coi mình hơn hẳn anh em, thích sai phái quát nạt, bắt mọi người phải hầu hạ phục dịch mình. Được cái thơ hay, nên người ta còn nể.
Lại còn thế nữa! Tôi ngẫm nghĩ và như chợt nhận ra thêm một bài học, từ một thói quen khá phổ biến giữa những người cùng nghề, ấy là thích lên mặt với nhau, hách xằng với nhau một chút cho oai.
Tôi có tài nghĩa là tôi có quyền được hách với các anh. Đây là một thứ lề luật không được ghi thành văn bản, nhưng ai cũng biết và cũng chấp nhận. Người được hách thì thích quá rồi. Mà người bị người khác tỏ ý hách cũng thầm sung sướng theo. Vậy là trong nghề của mình, mọi thứ mo-phú tuốt, chỉ có tài năng là đáng giá đồng tiền bát gạo! Tôi chịu anh! Vậy là chờ đấy, rồi đến ngày tôi viết được, cái mặt tôi có vác lên, các anh cũng chớ khó chịu! Này không chừng thằng ấy nó hách thế, là nó thách đố mình, thúc đẩy để mình cố viết không biết chừng... Ôi đã lý lẽ được như thế, thì cái sự hách thấy quý hoá quá, việc gì phải bỏ.
Lại còn một kiểu hách nữa, mà giá không được nghe bằng tai mình, tôi đã không tin. Hồi còn mồ ma nhà văn Nguyễn Tuân, ông cũng nổi tiếng là kẻ cao ngạo. Nhà văn Kim Lân kể: “ấy, vào nhà mìnnh, có dò hoa nào đẹp là ông ấy tước, hoặc có cái lọ, cái đĩa nào hay hay mắt, là lúc về, ông thản nhiên cho vào cặp. Ra những thứ ấy, cái thằng mặt trắng như mình không đáng dùng, mà phải ông ấy mới đáng. Khiếp khiếp, khinh người, ngỗ ngược thế chứ. Được cái lâu ngày anh em cũng quen, chịu thày, thôi thì thầy cứ việc hách, nhiều khi đã mất của mà anh em vẫn thấy sung sướng!” Tuy Kim Lân không nói rõ, song có cảm tưởng ông ngầm bảo rằng hách thế cũng là đáng với một người có tài, nhất đấy lại là Nguyễn Tuân, đã tài lúc trẻ, lại còn tài cả lúc gì. Vâng, tài cả lúc già là chuyện ai cũng mong, nhưng không phải ai cũng làm được. Khối vị chỉ mấy quyển sách chào hàng là đọc tàm tạm, sau đó có viết ra cái gì cũng không bằng cái đầu. Trong trường hợp ấy, vô phúc mà không biết điều, rước cái tính hách vào người, không sao sửa được, thì mới thật khổ cho thiên hạ.
Hãy kể trường hợp anh nhà văn nọ, mà giờ đây, cả giới chúng tôi đều gớm! Ngay từ lúc mới vào nghề, con người khôn ranh tinh quái đó đã học được toàn những đức tính sang trọng của các bậc đàn anh. Thấy ai có gì hay hay cũng muốn phỗng tay trên. Bạ ai cũng sai. Sai đèo đi nơi này, nơi nọ. Sai đi kiếm cho tao mấy cái vé. Sai ra ngoài kia kiếm bia, kiếm lạc về để chúng anh khề khà. Thậm chí, vào nhà người ta chơi ngả ngốn ở đấy, sai cả bố mẹ, vợ con người ta điếu đóm hầu hạ mình luôn thể. ấy là không kể một phương diện khác của sự hách, là cái tật hay nói, hay dạy khôn, bạ cái gì cũng dúng mồm vào, đến nhiều đám đông, chưa nghe thủng chuyện người ta đang nói đã ào ào như máy nước hỏng, thế mới chướng! Hồi đang viết được còn đỡ, gần đây, những cái viết ra nhạt nhẽo, không ai để ý nên đâm lười không muốn viết nữa. Song cái bệnh ngông nghênh hay nói thì không bỏ được, vẫn cái tính hách phô ra, người quen cũ lảng dần, mà người mới quen cũng chỉ trố mắt nhìn nhau, không hiểu nếp tẻ ra sao cả.
- Tóm lại, cái đạo luật mà trên kia anh tự hào nhắc tới, rằng nhà văn có quyền hách với nhau, anh A làm bộ hách với anh B chẳng qua để kích thích anh B viết, cái đạo luật không ghi thành văn bản giờ đây đã hết hiệu lực, giới nhà văn các anh dạo này tỉnh táo, biết điều cả rồi?
- Không hẳn đã đúng. Nói có thể anh không tin, chứ ngay bây giờ chúng tôi vẫn cầu mong có một ông nào đó viết thật hay và do đó dám sống thật hách, và anh em thì cứ lịm đi mà chịu cho ông ấy hành. Với một ngòi bút trẻ trung mà lại có tài, người ta dễ tha thứ lắm. Còn ở trường hợp cái ông nhà văn tôi nói về sau, gọi đúng tên thì phải bảo đó là một thói xấu tầm thường: không biết mình biết người. Và không bỏ được một cái tật đã ngấm vào mình như một bản năng thứ hai. Suy cho cùng, xằng xịt như thế không phải là hách nữa, mà là “ấm đầu” rồi, thiên hạ có lảng thì cũng là phải. Thành thử cái đạo luật không ghi thành văn bản trên kia nhắc tới vẫn đúng, chỉ có điều phải ghi chú thêm: chỉ nhân nhượng cho những người có tài, khi người ấy đang có tài. Dùng không đúng người, không đúng lúc, sẽ thành lố bịch.
SỐ TRUY CẬP đang online