KHÔNG NỖI LO NÀO LÀ CỦA RIÊNG AI

Trong hai năm 1997-1998, việc xuất bản trở lại các bộ sưu tập báo chí vốn in ra đã lâu (Tiên Phong, Văn Nghệ - 50 năm trước; Tao Đàn - 60 năm trước) được nhiều người khuyến khích, vì nó gợi ra cho thấy nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống văn chương nay đã thuộc về lịch sử, trong số này, có một điều ít người để ý: ấy là những tác phẩm tạm gọi là xuất sắc thường tìm về hội tụ với nhau, trong những quãng thời gian nhất định.
Trong Văn Nghệ 1948, người ta được đọc liên tiếp Đôi mắt và ở rừng của Nam Cao, Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng, những bài thơ không vần thuộc loại hay nhất của Nguyễn Đình Thi. Và ngay trong Văn Nghệ số 1 (ra 3/1948) đã có Cá nước của Tố Hữu, Làng của Kim Lân, bản nhạc Sông Lô của Văn Cao.
Rải rác trong Tao Đàn 1939, người ta đọc được những thiên truyện hay nhất của Nguyễn Tuân, sau này sẽ làm nên Vang bóng một thời, cũng là những bài tiểu luận xuất sắc của Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Phan Khôi, Trương Tửu... Cũng thời gian này, trên Ngày nay, nhóm Tự Lực văn đoàn cho in những tác phẩm thuộc loại chín nhất, chững chạc nhất của Khái Hưng, Thạch Lam, Xuân Diệu.
Điều này, sẽ còn lặp lại ở nhiều thời điểm khác. Hoặc đó là văn học Hà Nội những năm 60, khi mà gần như cùng lúc thấy có Sông Đà và Trước giờ nổ súng, ánh sáng và phù sa và Mùa lạc, Sống mãi với thủ đô và Sóng gầm v.v... Hoặc lùi về trước nữa, thời kỳ nửa sau thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, khi mà có hàng loạt truyện nôm khuyết danh xuất hiện. Các nhà nghiên cứu văn học gần đây đã đưa ra nhiều bằng cớ chứng minh rằng Nguyễn Du có quan hệ thân tình với Hồ Xuân Hương: Các tài năng thường hẹn nhau hội ngộ. Và giống như những loài hoa cùng nảy nở vào mùa xuân, các tác phẩm xuất sắc thường chọn dịp để đứng cạnh nhau, làm nên một mùa hoa đẹp.
*
Nếu như các vở kịch, các bộ phim bao giờ cũng là những công trình tập thể, thì các tác phẩm văn học tồn tại theo lối khác hẳn. ở đây, chỉ có một người đứng tên duy nhất.
Bởi vậy, ở đây mà nói đến sự phối hợp công việc, hẳn ai cũng cho là khiên cưỡng, giả tạo. Sự đơn độc trước trang giấy như một thứ số phận, một người mới bước vào nghề đã biết, và càng ở lâu trong nghề càng thấm thía.
Tuy nhiên, nếu hiểu vai trò của chung quanh theo nghĩa rộng, bao gồm gợi ý khuyến khích, tạo không khí, gây lòng tin, thì người ta có thể nghĩ khác. Lịch sử còn ghi những mẩu chuyện, chẳng hạn, chính Thế Lữ kể cho Thạch Lam một trường hợp tương tự, rồi Thạch Lam sẽ viết nên Dưới bóng hoàng lan; hoặc nghe lời khuyên của Vũ Trọng Phụng, mà Nguyễn Tuân đã làm hai tập phóng sự Ngọn đèn dầu lạc và Tàn đèn dầu lạc.
Con gà tức nhau tiếng gáy, nếu trong đời sống, cái sự ghen ăn tức ở chẳng hay ho gì, thì trong công việc, nó thường khi lại là thứ gia vị cần thiết. Sau khi đọc Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Nguyễn Công Hoan thấy phải viết bằng được cuốn sách khẳng định vai trò của gia đình. Và thế là chúng ta có Cô giáo Minh.
Còn đây, không khí đầu năm 1948, khi chuẩn bị làm một số tạp chí Văn Nghệ, do Kim Lân kể lại ”Sau một thời gian chạy giặc, anh em náo nức viết. Giời lạnh... Đêm mỗi anh mỗi đèn”. Tới giờ Kim Lân còn nhớ là thiên truyện Làng của mình đã được sửa chữa ra sao sau những lời góp ý của Tố Hữu. Và từ những ngày chung sống một cơ quan với những Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, ông chốt lại một nhận xét: “Nguyên những câu chuyện trao đổi tranh luận của các anh cũng là những trang bị thật bổ ích cho tôi”
Những ví dụ trên, cùng bao ví dụ tương tự cho thấy không khí chung trong giới sáng tác có liên quan tới sáng tạo của một cá nhân ra sao: Hoá ra, trong khi đơn độc trước trang giấy trắng, một người viết văn luôn luôn ở trong mối quan hệ với những người khác, với đồng nghiệp, bằng cách giao đãi, tiếp nhận, tranh cãi, đối thoại. Vì thế mới có chuyện “hội tụ”, hẹn nhau mà xuất hiện.
*
Bây giờ thì không riêng ai nữa, hầu như cả thế giới cầm bút ở ta đều đã công nhận rằng đời sống văn học hôm nay mở ra theo chiều hướng rộng, nhưng lại thiếu chiều cao, có nền mà chưa có đỉnh. Số người viết trở nên hội viên Hội Nhà văn ngày mỗi nhiều mà số mới viết lại đông hơn. Sách vở bày bán la liệt. Có điều, sau một năm, hoặc vài ba năm, bảo có tác phẩm nào đọng lại được, thì không ai dám nói.
Có một câu hỏi đang ám ảnh mọi người. Làm sao để có tác phẩm hay? Nên có thêm những biện pháp gì để cho gà đẻ trứng vàng, mỗi nhà văn viết ra được cái tác phẩm chính họ ước ao mà cả xã hội cũng hoan hỉ đón nhận?
Đã có một ít lời bàn bạc đây đó, tìm cách gỡ ra cái bế tắc này.
Lại cũng đang có những ngòi bút, nói theo chữ anh em trong nghề, là phục xuống, ngồi viết, hi vọng rằng, với nỗ lực cá nhân, sẽ “ném ra những trái bom”, tạo nên một sự bất ngờ trước dư luận, khiến cho mọi người phải giật mình và tên tuổi tác giả phải được chép vào lịch sử.
Thế nhưng tôi ngờ rằng căn bệnh “thiếu đỉnh cao” của nền văn học hôm nay không thể giải quyết bằng những cách đơn giản, đại khái như dúi cho các nhà văn một ít tiền, hoặc kêu gọi mọi người ngồi lì trước trang giấy trắng. Như các ví dụ trên kia đã chỉ rõ, ở đây phải có sự cùng chăm lo đến không khí chung. Và một khi có hiện tượng thiếu tác phẩm giá trị mà hàng tầm tầm lan tràn, thì người ta không thể chỉ tìm nguyên nhân ở công việc của từng người cụ thể, ngược lại phải nghĩ đến đời sống văn học nói chung, “cái toàn bộ” kể từ trình độ nhận thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, cho tới khả năng tiêu hoá những bài học của ông cha và kinh nghiệm của nước ngoài, cách quan hệ của những người trong giới với nhau. Nếu cái nền chung đã “có chuyện” thì mọi nỗ lực cá nhân rất khó thực hiện, và nếu có, cũng không tránh khỏi méo mó, kỳ cục.
*
Lệ thường khi viết xong tác phẩm và đưa nó ra trình làng, một nhà văn thường trông trước trông sau, chờ đợi phản ứng của bạn đọc, nhất là các đồng nghiệp. Nhưng một yêu cầu tối thiểu như thế, giờ đây, là một cái gì có phần xa vời. Trên mặt báo, thường chỉ có những lời xác định đúng sai, còn như các ý kiến về cái hay cái dở thì lờ mờ, lẩn quất, ít khi có dịp bộc lộ.
Kể ra, cũng có loại người đánh dấu chấm hết cho tác phẩm rồi thì chỉ còn một ý nghĩ rằng mình đã viết là phải thật hay, chẳng còn điều gì phải bàn ngoài chuyện lo chạy cho cuốn sách vừa in giải này giải nọ. Nhưng để loại người đó sang một bên, tôi nghĩ tới cái bơ vơ của một ít người viết còn thành tâm: Giá có tính chuyện hoàn chỉnh cái đã viết và rút kinh nghiệm cho cuốn sách sau, cũng không biết trông vào đâu cả.
Muốn bàn bạc với nhau thì trước tiên, phải quan tâm tới nhau. Song từ lúc nào không biết, trong giới cầm bút, nếu tôi không lầm, đã hình thành nên một kiểu quan hệ lấy sự khôn khéo làm đầu vị. Nghĩa là không ngó ngàng gì tới cách sống của nhau, chẳng bênh người có tài, mà cũng chẳng bực mình với kẻ bất lương viết ẩu. Khi có dịp gặp mặt, chỉ có khen ngợi. Khen lấy lòng thôi chứ thực ra cũng chẳng buồn đọc nhau, bởi tin rằng, ai viết lách thế nào, người ấy tự chịu trách nhiệm. Một cách sống ích kỷ như thế, bề ngoài có thể tạo nên một không khí thanh bình giả tạo, nhưng suy cho cùng, sẽ có hại cho từng người, kể cả người viết lâu năm lẫn người mới viết.
Lại nói tới chuyện thể nghiệm. Tuy là một thực thể thống nhất, song mỗi tác phẩm văn chương vẫn có thể phân tích ra thành nhiều phương diện: đề tài, ngôn ngữ, thể loại. Một tác phẩm xuất sắc, cố nhiên, phương diện nào cũng đạt tới mức hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chúng chỉ xuất hiện sau khi đã qua những bước thể nghiệm, và đây là một ví dụ về vai trò của tập thể trong sự sáng tạo: có khi thành tựu của người này lại dựa trên bước đi thăm dò của người khác. Những người thể nghiệm tự biết sức mình là chưa thể làm ngay tác phẩm lớn, nhưng tha thiết với đời sống chung, nên sẵn lòng đi vào tìm tòi trong một phương diện nào đó, cho người khác làm điểm tựa. Thiếu đi sự hào hiệp ấy thì - như chúng ta đã thấy - những tác phẩm tốt rất khó xuất hiện.
*
Cũng như một số đồng nghiệp, lâu nay tôi hay nghĩ việc chăm lo đến không khí sáng tác nói chung, và quan tâm tới những người trong giới chỉ thuộc phạm vi đạo đức cá nhân, hoặc đơn giản hơn, là một cách để tránh đi những phiền phức không đáng có. Song có lẽ đã đến lúc phải xem đó là cả một vấn đề nghề nghiệp thiết cốt tới sự tồn tại của chính mình. Bởi có hiểu như thế mới giải thích được tình trạng trì trệ hiện thời, cũng như tìm được phương hướng sống, làm việc ngày mỗi hiệu quả.
SỐ TRUY CẬP đang online