DỬNG DƯNG NHƯ MỘT CĂN BỆNH

Niềm tha thiết muốn đưa lại cho tiểu thuyết những thay đổi và nói chung làm sao tìm tòi để có được những cách tân so với tiểu thuyết hồi đầu thế kỷ...thực sự là cả một nỗi ám ảnh trong tâm trí nhiều người viết văn hôm nay.

Không nói đâu xa,ngay trong báo cáo tổng kết của Ban chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 1998 – 2000, cũng đã thấy nói tới một bút pháp “cộng hưởng giữa hiện đại và cách tân”, rồi hiệu lực của việc sử dụng những biện pháp như đồng hiện, độc thoại nội tâm, dòng ý thức...Phiền một nỗi không phải cái gì người ta mong mỏi là tự nhiên làm được ; một mô hình mới mẻ về tiểu thuyết là kết quả của một tư duy hiện đại, nó khác rất nhiều với một vài thủ pháp cụ thể mà một sự khéo tay học theo có thể làm, dù là làm rất khéo léo. Trên đại thể có cảm tưởng tuy đã có một vài sự cải tiến nho nhỏ, song thứ tiểu thuyết mà hôm nay các nhà văn đang viết thực ra cũng không khác bao nhiêu so với tiểu thuyết đã hình thành trong nửa đầu thế kỷ XX. Nhìn vào Hồ Quý Ly : trong cái vẻ chín đều của nó, một sự hoàn chỉnh hiếm có của tiểu thuyết vài trăm trang phổ biến ở ta, cuốn sách này của Nguyễn Xuân Khánh thực ra cũng là tổng kết của một tư duy tiểu thuyết đã qua hơn là mở đường cho một tư duy tiểu thuyết mới khác trước.

Trong năm 2001, bên cạnh tập thơ Linh, có một tập thơ khác được coi như có những tìm tòi nghệ thuật,đó là tập thơ mang tên Viết của một số cây bút như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quốc Chánh, Mai Văn Phấn,Thảo Phương, Phan Huyền Thư.... và cũng in ra ở nhà xuất bản Thanh niên. Có điều, trong khi Linh có may mắn được bàn bạc râm ran trong dư luận, thì Viết đâu chỉ một lần được một nhắc tờ báo nhắc nhở tới sau đó rồi thôi,thậm chí ít người biết rằng có một tập thơ mang cái tên như thế đã được in ra.
Về mặt này mà xét, thì số phận của những tìm tòi của các tác giả in trong Viết có phần hơi giống số phận của những tìm tòi của Nguyễn Bình Phương, Ngô Tự Lập, Bùi Hoằng Vị... trong văn xuôi, tức là chỉ được đặt trong giới hạn một chuỵện riêng tư của mỗi tác giả và vô hình trung, xem như chẳng có can dự gì đến tình hình sáng tác nói chung. Nhà thơ Phạm Đức chuyên lo việc in thơ ở NXB Thanh niên, trong bài trả lời phỏng vấn in trên tạp chí Văn hoá văn nghệ công an số ra 11/ 2001, cho rằng lối thơ như trong Viết hoặc Linh là một trong nhiều sân chơi có thật của thơ hiện nay.Tiếp theo ý đó của Phạm Đức, tôi cũng muốn đề nghị rằng những cuốn sách trên chẳng những nên in mà còn nên mang ra trao đổi bàn bạc cặn kẽ. Có người sẽ hỏi sách ra chồng chất, đến nhiều tập thơ quyển truyện gọi là bình thường còn không được ai nhắc đến,lấy đâu thì giờ và giấy mực viết về những thứ văn chương như chữ dùng của Phạm Đức là “sân chơi hẻo lánh “ kia. Câu trả lời ở đây là, ấy, những tác phẩm loàng xoàng viết theo cái mạch quen thụôc bỏ qua không sao, chứ với những cuốn sách bài thơ muốn cựa quậy thay đổi ( bất cứ tác phẩm nào, thậm chí những tìm tòi chỉ giới hạn trong ít bài đăng báo chứ chưa in thành sách ) thì nhất thiết không nên bỏ qua. Chúng vẫn có mối quan hệ với mọi người dù là quan hệ theo một cách riêng : Trong cái vẻ tưởng như cực đoan của mình, chúng nói hộ những ao ước ngấm ngầm có ở anh ở tôi ở nhiều người chúng ta mà vì khiêm tốn biết điều, đúng hơn là vì ngại ngần cầu an,sợ thay đổi, sợ thất bại mà ta không dám dấn bước. Làm sao có thể thúc đẩy sự sáng tạo ngày một tiến tới, nếu không khuyến khích những thể nghiệm để rồi có sự rút kinh nghiệm ngay về những thể nghiệm đó ?

Có một nhận xét mà một số người nêu lên rồi lấy đó làm cớ để khuyến khích thái độ im lặng chung quanh các loại sáng tác gọi là tìm tòi hiện nay: có vẻ như chúng không đến được với đông đảo người đọc ; chẳng những đứng ngoài thói quen thưởng thức thông thường, khiến người đọc hơi mệt, mà đơn giản là chúng không hay,một số người đọc kiên nhẫn sau khi bỏ công đánh vật một hồi với tác phẩm cũng thấy chẳng thu hoạch được điều gì sâu sắc. Những nhận xét đó trong nhiều trường hợp là khá chính xác. Xưa nay bao giờ cũng vậy trong bước đi ban đầu, nhiều quá trình tìm tòi thật chẳng khác việc người nông dân sục lưỡi cày sâu xuống lòng đất,cái mà người ta thấy ngay là những tầng đất chua mặn. Một mặt,chắc không ai dám nói rằng mọi việc chuẩn bị cho sự cải cách đã được chuẩn bị chu đáo. Mặt khác, phải nhận là không ít bạn trẻ hiện nay có cái vẻ mà các cụ xưa vẫn nói, đành hanh, chơi trội, “ chí to hơn người “, “chưa có tinh đã có tướng “, kiên trì học hỏi nghiền ngẫm thì ít, lo đi quảng cáo cho tác phẩm của mình thì nhiều, việc đầu cơ cái mới không thể cam đoan là không hề có. Thế nhưng tốt hơn hết là hãy bình giá công việc của các bạn trẻ ấy hơn là quá để tâm xét nét con người họ. Thử nhìn lại cái hiện tượng thường được nêu ra như một mẫu mực của sự tìm tòi và dám thay đổi trong văn chương Việt Nam là Phong trào Thơ mới, người ta thấy ngay là thuở ban đầu cũng không tránh khỏi bao nhiêu thể nghiệm vô lý, nào thứ thơ quá gần văn xuôi của Hồ Văn Hảo, Nguyễn Thị Manh Manh, nào thứ thơ Bạch Nga, thơ mười hai chân, thơ bắt chước thơ Pháp của Nguyễn Vỹ mà Thế Lữ đã chế giễu một cách cay độc. Xét chung cả sự vận động của lịch sử thì những sai lầm như thế thực ra vẫn có một tác động tích cực, nhìn cái xe đổ trước mặt chính là một cách hữu hiệu giúp ta đi đúng con đường phải đi. Đòi hỏi mọi thứ thay đổi ngay từ đầu đều hợp lý mức độ có sức thuyết phục thì nào có khác bảo thẳng người ta đừng làm gì cả.

Trên đường tìm tòi, một số cây bút trẻ không tránh khỏi chưa tiêu hoá hết những ảnh hưởng xa lạ, tức thử viết theo cách của tác giả A. tác giả B. ở nước ngoài mà người đó yêu thích. Nếu đây là một cách cóp bài lộ liễu thì phải có lời cảnh tỉnh đương sự. Ngoài ra, trên nguyên tắc có lẽ chúng ta phải tập cho mình thói quen chấp nhận sự học hỏi, chứ không thể vơ đũa cả nắm,thoáng nhận ra dấu vết nước ngoài là khoái trá rũ tuột mọi nỗ lực của một cây bút ham đọc. Kinh nghiệm của các nhà văn nhà thơ nửa đầu thế kỷ còn đó, một Xuân Diệu từng công khai nhận rằng Tôi nhớ Rimbeau với Verlain, song nhờ thế lại góp phần làm giàu thêm những phương thức biểu hiện của thơ tiếng Việt. Làm sao trong việc ăn, ở, đi lại,mua xe, sử dụng điện thoại tự động, nghe nhạc, xem đá bóng, xây nhà, đi du lịch... ta có sự chia sẻ đầy đủ với cách sống của con người hiện đại, mà văn chương thì lại đứng riêng ra một lối cho được ? Trong hoàn cảnh của một thế giới cởi mở như hiện nay, niềm ước mơ hoàn toàn tinh khiết chân quê có gì giống như một ảo tưởng.Tốt hơn hết là chúng ta chỉ cần nhắc nhở nhau một cách nhẹ nhàng rằng trước sau một cây bút có bản lĩnh phải tìm được cách thoát ra khỏi những ảnh hưởng mà họ say mê khi đang tập sự.

Cái mới cái trẻ thực thụ thường khi sinh động hấp dẫn, khiến chẳng ai nỡ lòng từ chối.Song tìm là khổ, mà khổ nhất là những người vừa muốn tìm, vừa tỉnh táo nhận ngay ra rằng những nỗ lực của mình chẳng đi đến đâu. Lúc bấy giờ hình như chẳng còn làm chủ được mình nữa, người ta rất dễ rơi vào một thứ trạng thái tâm lý có màu sắc hư vô, những gì mình không làm được thì cũng cầu mong đừng có ai làm. Một trong những lý do dẫn tới dửng dưng bắt nguồn từ đấy. Sự đe nẹt quá đáng dẫu sao cũng còn có thể hiểu được,một số người vốn quen nghĩ một chiều về sự sáng tạo nên đối với mấy cây bút trẻ hiếu động dễ khe khắt, song nếu có điều kiện bàn bạc dần dần rồi mọi người sẽ hiểu ra. Sự dửng dưng còn đáng sợ hơn một bậc. Nó đẩy những tìm tòi kia vào trong bóng tối của quên lãng và khiến cho một số người toan tính những bước phiêu lưu tự nhiên phải chùn bước.
SỐ TRUY CẬP đang online