YÊU NHAU NHƯ THẾ BẰNG MƯỜI PHỤ NHAU!

Nguy cơ đến với các di tích kiến trúc nổi tiếng không phải chỉ ở sự tàn phá hoặc hờ hững để hoang mà còn từ nhiều phía khác, kể cả cái phía ít ai ngờ nhất: những tùy tiện trong trùng tu, bảo quản.

Nhân dịp trùng tu chùa, một nhà sư ở chùa Côn Sơn cho lôi tất cả tượng cũ ra sơn lại. Mặc dù đã có ý kiến của ngành quản lý văn hóa rằng đừng nên làm thế, nhưng mọi việc cứ được tiến hành. Kết quả là, không biết có bền hơn, tốt hơn không, nhưng chắc chắn các tượng hỏng hẳn về mặt thẩm mỹ, chúng không ăn nhập gì với khung cảnh.
Sự việc đến nay được giải quyết ra sao, báo chí không đưa tiếp, song tôi nghĩ, những người có quan tâm tới công cuộc giữ gìn bảo vệ các di tích văn hóa có thể tìm thấy ở đây một ví dụ về cái cách mà chúng ta cần làm với mọi của cải vật chất tinh thần mà ông cha để lại. Để sang một bên câu chuyện lâu nay dư luận đã nói nhiều là sự dửng dưng, hơn nữa, sự đập phá. Ngay trong trường hợp các di tích được tu bổ để khai thác, thì mọi sự săn sóc ấy cũng chưa thể làm yên lòng ai cả.

Trong số những ấn tượng để lại khi đến thăm chùa Mía ở Sơn Tây, có một điều nhiều người không thể quên: ấy là ngoài cổng chùa mới xây thêm một cái tháp. Chùa cổ thâm nghiêm và giản dị bao nhiêu thì tháp xi măng mới xây thô thiển và xa lạ bấy nhiêu.
Một ví dụ khác: đầu năm 1996 báo Thanh Niên cho biết: để diệt cỏ cho các tháp cổ ở Mỹ Sơn, những người làm bảo tàng cho phun vào các kẽ đá một loại hóa chất. Cỏ có bị chết, nhưng tường tháp lại trở nên nham nhở khó coi.
Còn đây, một chi tiết do chính giáo sư Hà Văn Tấn nêu lên trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ chủ nhật: "Đình Lỗ Hạnh làm vào thời nhà Mạc thế kỷ XVI thuộc loại đình lâu đời nhất ở miền Bắc. Ở hậu cung đình này vốn có bốn bức tranh cổ vẽ người tiên. Giờ đây tranh cổ bị xóa, thay bằng tranh mới, và cố nhiên vẽ bằng sơn mới". Còn như cái chuyện tượng cũ được tô xanh tô đỏ, nhiều tượng được gắn thêm những "vầng hào quang" nhấp nháy, hoặc hiện tượng cột gỗ bị thay bằng cột xi măng thì theo Hà Văn Tấn, thấy ở nhiều nơi, chứ chả riêng một nơi nào. Cần chú ý thêm là ngoài lối "vẽ rắn thêm chân" mà ai cũng thấy dở như vậy, còn nhiều tùy tiện khác trong khi lập hồ sơ về di tích. Có khi nhầm lẫn về niên đại. Có khi là thay đổi các tình tiết trong câu chuyện có liên quan đến di tích, thậm chí thay đổi cả tính chất của di sản cho hợp thời hoặc thêm phần thiêng liêng hấp dẫn (chẳng hạn, đang là một dâm từ thờ những vị thần ngẫu nhiên không chính đáng, được cải biên thành đền thờ những người có công với dân với nước) cũng là cả một "di sản" (đúng hơn là di lụy) do lịch sử để lại. Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật đã có nhiều bằng chứng cho thấy rằng một số công trình kiến trúc ngày nay chúng ta được chứng kiến, thực ra từng bị phá hoại (do thời tiết, khí hậu cũng có mà do nạn binh hỏa liên miên cũng có). Có hư hỏng tức có trùng tu. Chỉ có điều gần như mỗi lần trùng tu là một lần di tích được cải biên theo tinh thần đương thời. Liệu có quá sớm khi bảo rằng: sự tùy tiện ở ta thật ra là một căn bệnh thâm căn cố đế và có một "bề dày lịch sử" đáng sợ!!

Có một lý do khiến cho lối tu bổ và bảo dưỡng di sản như kiểu trên đây, cứ mặc nhiên tồn tại. Ấy là, theo cách nghĩ thông thường thì dẫu sao sự tân trang "mô-đéc hóa" này cũng còn khá hơn sự dửng dưng đang tồn tại hàng ngày hàng giờ chung quanh mà chưa biết làm sao khắc phục.
Nhìn ở một tầng sâu nữa, có thể xem lối làm văn hóa kiểu nhà sư Côn Sơn nói ở trên bắt nguồn từ những suy nghĩ khá thông thường hiện thời:
- Văn hóa là chuyện ai chẳng biết làm và ai làm chẳng được (!).
- Chỉ cốt ở cái tâm, ở sự nhiệt tình.
- "Méo mó có hơn không".
Có biết đâu, đó là những suy nghĩ vô trách nhiệm. Sau cái bi kịch của sự khoanh tay đã đến lúc nên nói thêm đến cái bi kịch của hành động, vì sau một hành động lầm lỡ, sửa chữa được là khó lắm, nếu như không nói rằng có những lầm lỡ không bao giờ sửa chữa nổi!

Mỹ Sơn là một di tích nổi tiếng mà gần như chỉ sau chiến tranh mới được phát hiện lại. Đầu năm 1996, tới thăm Mỹ Sơn, tôi được nghe kể là: khoảng cuối những năm 70, đầu 80, để làm cho khu thánh địa đỡ gây cảm giác hoang phế, một số chuyên gia rất có thiện chí đã làm công việc chắp nối, tức lấy những mảnh vụn của những ngôi tháp khác nhau dựng tạm lại một hai ngôi tương đối gọi là coi được, cốt giúp người đến tham quan hình dung ra cảnh xưa. Lúc đầu, việc đó thật hợp lòng người và đúng là có gây được chút hiệu quả. Nhưng đến nay, các cán bộ có trách nhiệm ở đây cho rằng không thể làm vậy nữa, nó là cách làm tùy tiện và dễ khiến người ta hình dung sai lạc bộ mặt khu kiến trúc cổ (nhất là khi hiểu biết của chúng ta về lịch sử cũng như văn hóa Chăm còn rất hạn hẹp). Trước khi có được một sự nghiên cứu công phu và một quyết sách hợp lý, tốt hơn hết là cứ để nguyên cảnh đổ nát rồi dọn dẹp cho cả khu di tích khang trang sạch sẽ: không chừng như thế mới là tôn trọng lịch sử. Tiếc rằng các kết luận có phần cay đắng nhưng hợp lý ấy của Mỹ Sơn chưa được khái quát để trở thành tinh thần chỉ đạo trong thái độ đối với di sản văn hóa nói chung. Và tiếng kêu về những vụ vi phạm thô bạo như kiểu Côn Sơn nói ở trên cũng vẫn chỉ là tiếng kêu vô vọng.
SỐ TRUY CẬP đang online