NỖI SỢ CẦN THIẾT

Nỗi sợ này không làm cho con người ta trở nên hèn kém mà chỉ mở đường cho những tìm tòi khám phá thú vị: đó là nỗi sợ về sự phong phú và những biến thái kỳ lạ của tiếng Việt.
Vậy thì phải biết sợ mới nên người!
Đáng tiếc là nhiều người cứ nhơn nhơn ra thây kệ.
Cụ bà và bà cụ
Ở tuổi 90, giáo sư T.vẫn tiếp tục cho in ra một công trình nghiên cứu có giá trị. Người đọc lại càng cảm động hơn khi biết là cuốn sách được hoàn thành trong khi hàng ngày, như lời một ký giả năm ngoái đây kể trên tờ báo nọ, giáo sư vừa viết vừa lo "chăm sóc bà cụ đang mệt nặng". Đọc đến chỗ này, tôi cũng như mọi người đều hiểu bà cụ nói ở đây là người bạn đời của giáo sư chắc tuổi cũng đã cao lắm. Song có một điều khiến tôi cứ phải băn khoăn: viết là bà cụ đã chính xác chưa? Trong tiếng Việt, hai chữ bà cụ thường dùng để chỉ thân mẫu của một người nào đó. "Phải, bà cụ sinh ra ông chủ mới tạ thế hồi đêm" (Nguyễn Công Hoan, Báo hiếu: trả nghĩa mẹ). Còn để chỉ bạn đời của một người đã cao tuổi, người ta đem đảo ngược hai chữ trên, chẳng hạn đây là một lời thường dùng để ca tụng những gia đình mẫu mực: Cụ ông thì nho nhã phong lưu còn cụ bà thật là một người hiền hậu!
Giá khi biên tập đoạn văn trên, tòa báo giúp người viết đảo lại thành giáo sư vừa viết sách vừa "chăm sóc cụ bà đang mệt nặng", có lẽ phải hơn.
Đây chỉ là một trong muôn ngàn ví dụ, chứng tỏ cái khó của tiếng Việt. Ác một nỗi là hiện nay những chỗ khó này không được chúng ta mang ra bàn bạc. Ví dụ ở nhiều nước trên thế giới, người ta thường có hẳn một cuốn từ điển dành để nói về những từ dễ bị dùng nhầm. Còn ở ta ai nấy mò mẫm hiểu lấy một mình.
Nữ nhà viết kịch
Trong một hội nghị về ngôn ngữ, một nhà nghiên cứu thuộc loại thâm niên có nêu một nhận xét khá thú vị. Đại ý ông bảo nay là thời một số người vốn không thạo tiếng Hán Việt lại thích trổ tài dùng từ lạ. Trong khi tiếng Hán có rất nhiều từ đồng âm và từng từ thường có nhiều nghĩa thì những người này - chữ vuông chỉ biết đến chữ nhất là cùng, khi đọc sách cũ thường lỗ mỗ hiểu một hai nghĩa cụ thể của những âm Hán Việt - lại rất thích ghép những từ tố đó lại thành những từ mới. Họ nghiêm chỉnh nghĩ rằng phải những từ mới đó mới diễn tả đúng ý của họ. Có biết đâu khách quan mà xét lại thấy như là họ đang trộ thiên hạ.
Câu chuyện sử dụng từ gốc Hán ra sao đáng được bàn riêng trong một mục khác, ở đây tôi chỉ muốn lưu ý một trường hợp riêng là việc kết hợp những từ gốc Hán với từ thuần Việt. Cách cấu tạo tiếng Hán (đặt từ phụ ở trước, từ chính ở sau) thường cho phép tạo nên những từ mới gọn, chặt, và có màu sắc trang trọng. Trong khi đó hiện chúng ta đang có khó khăn trong việc tạo thêm từ mới, nhất là loại từ dùng để định danh. Ví dụ khi cần nói tới một người phụ nữ làm thơ, nhiều người thấy lúng túng. Gọi là nữ thi sĩ, đúng quá rồi, song hiện đã có từ nhà thơ quá phổ biến, dùng lại thi sĩ e bất tiện. Dùng nhà thơ gái không được đã đành, đến như nhà thơ nữ cũng vẫn có vẻ còn nôm na quá. Có lẽ vì thế mà cụm từ nữ nhà thơ ra đời. Tương tự như vậy là sự xuất hiện những là nữ nhà viết kịch với lại cố nhà văn hoặc trong thể thao là đương kim giữ cúp, đương kim dẫn đầu giải... Không biết về sau có quen đi được không chứ giờ đây tôi cứ cảm thấy những cách nói này nghe thế nào ấy, không thuận tai, mặc dù giá có người vặn lại là nên dùng thế nào thì cũng chịu không dám đề xuất. Khi cần viết về một vài người bạn như Xuân Quỳnh, Thanh Nhàn, Ý Nhi... hoặc tôi bỏ bớt chữ nữ đi, chỉ gọi nhà thơ, hoặc vẫn dùng cả cụm từ dài, người phụ nữ làm thơ, ai có chê cũng xin chịu.
Lão nhà văn
Nếu tôi không nhầm thì cụm từ này ngày càng được dùng nhiều hơn, năm ngoái có người để gọi nhà văn ở tuổi "cổ lai hi" Nguyễn Quang Sáng, mới đây lại thấy nó xuất hiện trước cái tên nhà văn Sơn Nam người đã sống qua ba phần tư thế kỷ. Ngoài chuyện ghép từ bất chấp quy luật ngữ pháp tiếng Việt, giống như nữ nhà viết kịch vừa nói, xin lưu ý thêm một điểm nhỏ: Trong cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, ở mục chữ lão đã có ghi rõ lão không những là danh từ để chỉ người già như ông lão bà lão, sống lâu lên lão làng, mà còn có thể đặt trước danh từ chỉ người và nghề nghiệp nhưng đấy là khi có hàm ý coi thường như lão thầy bói, lão phù thủy, lão nhà giàu độc ác... Bởi vậy khi nghe những cách gọi lão nhà văn A., lão nhà văn B., tôi cứ thấy ngài ngại, e rằng một vài bạn đọc nhạy cảm sẽ bảo đó là cách gọi xách mé.
Sợ hãi, thận trọng, kính cẩn
Sắp bước sang tuổi thượng thọ, song nhà thơ C. vẫn đang tràn đầy khao khát sáng tạo, nhất là thích tìm vào những từ lạ và đặt ra những cách ghép từ ngữ chưa thấy ở ai bao giờ. Trong khi nhiều người hào hứng theo dõi thì cũng có những người không tán thành. Họ bảo: về già đâu còn mấy thì giờ, vậy các cụ nên lo viết cho giản dị, đi thẳng tới những điều định nói, còn tìm tòi dành cho lớp trẻ. Cũng phải nói thêm là những tìm tòi về chữ ở nhà thơ C. nhiều khi hiện ra trên trang giấy như là một sự cố ý dồn ép ngôn ngữ, bởi vậy nghe đâu một người rất thạo về chữ là nhà văn Tô Hoài có lúc đã hóm hỉnh nói đùa:
- Ơ cái anh C. này không biết sợ chữ nhỉ!
Tôi không xem nhận xét này là một sự đánh giá hơn kém đối với nhà thơ C., mà chỉ muốn đọc ra đằng sau câu nói tưởng như bâng quơ ấy một thái độ tôn sùng ngôn ngữ kỳ lạ. Có cảm tưởng đối với những bậc thầy ngôn ngữ cỡ như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Tô Hoài..., tiếng Việt tuy là một công cụ sử dụng hàng ngày song lại là một thực tế siêu phàm một đấng bậc cao cả, đấng bậc ấy đặc biệt đáo để tinh quái, ai có ý xem thường hoặc làm trò đùa cợt mà lại không cao tay ấn là mất mạng như bỡn.
Nói cho vui thôi, chữ nghĩa có vật chết được ai! Không kể những người viết bừa viết ẩu, ngay nhiều người lao động lương thiện lắm lúc trong cơn vội vã hoặc một thoáng nhãng ra không để ý, thường cũng viết nên một thứ tiếng Việt rất ngây ngô mà có sao đâu! Song một thái độ nghề nghiệp nghiêm túc không cho phép người ta cẩu thả hoặc vô ý như thế. Đừng nên nghĩ mình đã là người Việt giờ nói và viết tiếng mẹ đẻ thì không thể sai được! Mà hãy luôn luôn ghi tâm khắc cốt rằng còn lâu chúng ta mới nắm được thứ tiếng sinh động này. Sẽ là có lỗi với ông cha rất lớn nếu chúng ta không biết làm cho nó trở nên sinh động hơn, ngắn gọn và chặt chẽ tức giàu sức biểu hiện hơn, mà lại khiến nó mòn đi, tã đi, tướp ra, thậm chí đôi khi trở nên nhem nhuốc như là trong tay một số người không biết sợ, mất hết cảm giác thành kính và nói chung là chẳng coi cái gì là quan trọng hiện nay.
SỐ TRUY CẬP đang online