MẤY CÂY SI VÀ ĐÔI VOI ĐÁ

Đền chùa ở các tỉnh xa thường được đặt trong một cảnh quan rộng rãi thoáng đãng nên đi dạo ở ngoài khuôn viên cũng đã là một niềm vui. Chùa Côn Sơn mấy năm gần đây lại được tu sửa nên khá khang trang. Chỉ hiềm một nỗi ra về tôi cứ thấy thương cho mấy cây đại vốn rất điển hình cho các chùa chiền phương Đông được trồng ngoài sân. Còn nhớ trong những lần đến thăm một số thắng cảnh ở Trung Quốc thấy các cây cổ thụ loại quý đều có gắn một tấm biển ghi rõ cây đã bao nhiêu tuổi. Ngay ở Bách thảo Hà Nội trước năm 1954 nhiều cây cũng có biển ghi tính danh cùng niên đại đính ngay vào thân. Còn trước mấy cây đại ở Côn Sơn, bọn tôi chỉ có cách đứng nhìn rồi đoán già đoán non về tuổi của chúng. Khổ một nỗi nữa là cảnh chèn ép diễn ra trước mắt. Không hiểu từ đâu lạc vào mà mấy thân si tầm thường có mặt ngay giữa sân chùa. Lá si xanh tốt, rễ si khô cứng lùm lòa tranh cướp cả không gian sinh sống, thành thử mấy cây đại kia trở nên côi cút lạc lõng ngay trên mảnh đất vốn dành cho chúng.
Từ Côn Sơn sang đền Kiếp Bạc không xa, và ở đây chúng tôi lại xót xa vì một chuyện khác. Vào nhiều đền chùa bây giờ người ta không khỏi bực mình vì những bức hoành phi câu đối được tu sửa. Màu sắc không phải thứ màu nền nã vẫn thấy ở các đền chùa xưa nay. Mà màu mới tô, khi thì quá xỉn, khi quá lòe loẹt, không hợp với khung cảnh chung. Chữ viết lại xấu, chắc không tìm đâu ra các cụ thạo chữ Hán nên cứ viết đại cho xong, cốt có chữ vuông là được. Đền Kiếp Bạc cũng không ra ngoài thông lệ đó. Đến như đôi voi đá đặt ở sân đền thì lại càng khiến người ta ngao ngán. Chúng trắng phếch như vừa được làm vội và thô thiển như một thứ hàng tầm tầm. Chắc do ai đó mới đặt để công đức cho đền. Di tích là của mọi người, ai cúng vào cái gì mà chẳng thấy quý? Song, trí nhớ tôi mách bảo một cách nghĩ khác: xưa, phải thứ chữ như thế nào mới được mang khắc ở đền chùa, cũng như đồ cung tiến nói chung phải tinh xảo sang trọng như thế nào mới được phép đặt vào những nơi tôn nghiêm. Chỉ có tiền và mong muốn đóng góp chưa đủ. Người xưa hay gọi những nhà có của mà kém về khiếu thẩm mỹ là mấy anh trọc phú đâu có phải oan?
Nay là lúc việc thăm thú di sản đã trở thành một thuần phong mỹ tục, song sau những chuyến đi, tôi cứ thấy ấm ức thế nào. Hồi các di tích đang trong tình trạng tiêu điều còn thấy dễ chịu một phần, trong bụng nghĩ rồi sẽ có lúc mọi người chung lưng làm cho nó đẹp hơn, thiêng liêng hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Giờ đây hoạt động trùng tu diễn ra khắp nơi nhưng hình như bàn tay của con người chỉ còn đồng nghĩa với một sự can thiệp thô lỗ hoặc những đắp điếm giả tạo. Nhiều người cho rằng quản lý một danh lam thắng cảnh chẳng có gì khó, ai mà chẳng biết làm, và làm thế nào cũng được, trong khi thực ra công việc ở đây đòi hỏi người ta phải có nghiệp vụ riêng và, đằng sau cái chuyện nghiệp vụ đó, là sự hiểu biết kỹ càng về lịch sử cũng như một quan niệm chắc chắn về văn hóa. Càng đi càng thấy đấy là cái chúng ta đang thiếu và bởi nó, - sự thiếu thốn ấy - là quá phổ biến nên lại chỉ còn có cách tự nhủ rằng ao ước mà làm gì cho thêm tội nghiệp!
Riêng trường hợp mấy cây đại, cùng đôi voi đá còn khiến cho tôi vân vi ra nhiều chuyện khác.
Mang hai hiện tượng đặt cạnh nhau, người ta thấy chẳng qua chúng là hai biểu hiện của cùng một quan niệm nó cũng là cách xử sự phổ biến hiện nay: không tách nổi cái ưu tú khỏi cái tạp nhạp làng nhàng; với cái thực có giá trị thì rẻ rúng chẳng coi là gì, còn với những cái tầm thường thì lại quá rộng rãi, để chúng tha hồ lấn lướt và leo lên cả những chỗ chúng không xứng đáng.
Ở đâu thì cách xử sự đó cũng là dở, song trong việc quản lý di sản nó càng tỏ ra bất cập. Bởi sau những tùy tiện như vậy, bao nhiêu thiện chí của người ta dù có cao vời đến đâu chăng nữa rồi cũng chỉ mang lại một hiệu quả... lùn tịt.
SỐ TRUY CẬP đang online