GÁNH VẢI QUẢ ĐI BỘ 4.000 KM MÀ VẢI KHÔNG HỎNG!

Vài nét về tình trạng học thuật thời nay

Kính gửi ông Lê Mạnh Chiến
Trong tháng ba 2003, tôi và một vài đồng nghiệp, trước hết là ông bạn Lại Nguyên Ân, đã bảo nhau đọc bài viết Phải chăng "nạn cống vải" là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722? của ông, in trên Tạp chí Thế giới mới trong các số 526 - 527 - 528. Bằng kinh nghiệm riêng, chúng tôi biết trong bụng nhiều người rất oán ông. Ông đã làm phiền giới nghiên cứu cũng như các nhà giáo nhiều quá! Chuyện hơi lạ tai, ông chịu khó nghe chúng tôi giãi bày một chút.
Đầu đuôi chỉ là một chi tiết ghi trong nhiều bộ sử in ra gần đây: thời Bắc thuộc khi nước ta đặt dưới quyền cai trị của nhà Đường, dân ta phải cống nộp một sản phẩm là quả vải. Vải tươi phải gánh bộ từ Hoan Châu, tức là vùng Nghệ An ngày nay, sang tận Tràng An, Trung Quốc.
Như ông cũng đã thấy, kết luận trên được rút ra từ nguồn tư liệu dân gian. Chẳng phải là ở Nghệ An có lưu hành một bài ca trù, trong đó có hai câu Sâu quả vải vì ai vạch lá - Ngựa hồng trần kể đã héo hon đó sao? Đây nữa, một bài thơ trong một tập thơ lưu hành theo lối truyền tay, có hai câu kết Đường đi cống vải từ đây dứt - Dân nước đời đời hưởng phúc chung. Thế đã là quá đủ, còn việc các bộ sử nổi tiếng của người xưa như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, hoặc Việt Nam sử lược không hề thấy có chuyện gánh vải thì nên lờ đi, lôi ra làm gì!
Theo sự thống kê của ông, tính sơ sơ có tới 8 bộ sử của 25 tác giả khác nhau cùng viết như trên. Trong số này, sách viết cho bậc phổ thông có, sách viết cho bậc đại học có, sách tra cứu loại hàn lâm có, sách phổ biến khoa học lịch sử có. Các sách ấy đều in ra ở các nhà xuất bản có uy tín và tác giả đều là các nhà nghiên cứu khả kính, tên tuổi thường có kèm theo những học hàm học vị loại xịn.
Chẳng phải sự nhất trí tuyệt đối của cả giới sử học, như ông nói, đã là một bảo đảm cho nhận định trên hay sao?
Vậy mà ông nỡ xem như chuyện không thể tin được. Nào là do chỗ khi chín khó bảo quản, vải không thể là thứ để cống nạp theo hành trình đã nói trên. Nào là ngay vải Thanh Hà ở vùng Hải Dương nổi tiếng cũng chỉ mới có từ đầu thế kỷ XX; còn ở Nghệ An xưa nay chỉ có loại vải cùi mỏng và chua, cùi to.
Rồi ông tiếp tục kê cứu tỉ mỉ. Như tính đường từ châu Hoan xưa đến Tràng An là khoảng 4.000 km tức bình thường đi phải mất khoảng tháng rưỡi mới tới. Như đọc lại các tài liệu thư tịch xưa có liên quan đến cây vải và việc cống vải (trong đó có bài thơ nổi tiếng của Đỗ Mục đời Đường). Như việc đi vào thực địa khảo sát các giống vải ngon ở nước ta, trong đó có cả khảo sát lai lịch một cây vải giống ở Thanh Hà. Như tra cứu lại các bộ sách cổ của Trung Quốc xem hai chữ Giao Chỉ và Giao Châu có đến 6 định nghĩa khác nhau như thế nào.
Tuy ông không nói ra, nhưng qua cách ông trình bày, thì hóa ra một người nghiên cứu phải biết nhiều thứ quá. Phải biết ngoại ngữ, và nếu biết cả một thứ chữ phương Tây lẫn chứ Hán thì càng tốt. Phải lần về các tài liệu gốc. Phải có lối tính toán tỉ mỉ như một nhà khoa học tự nhiên. Lại phải đi thực địa hỏi han về con người cảnh vật từng vùng đất. Ôi chao là phiền phức! Thời buổi bây giờ, các cử nhân phải lo có công trình để lấy bằng thạc sĩ, các thạc sĩ phải nhăm nhe trở thành tiến sĩ, các tiến sĩ phải lo chạy cho có đủ số giờ cần thiết để trở thành giáo sư, ai hơi đâu mà ngồi kỳ cục tính toán chung quanh một ít chi tiết lặt vặt từ hơn một ngàn năm trước!
Ông có thể trách tôi là bi quan quá, nhưng, với tư cách một người thỉnh thoảng cũng có nêu ra một vài chuyện sai sót, tôi muốn chia sẻ với ông một chút kinh nghiệm: chẳng ai nghe ta đâu. Năm ngoái năm kia, báo chí đã mấy lần nêu lên cái chuyện ở vài địa phương có dựng lên những di tích lịch sử giả để kéo người tới lễ bái. Nhưng thử hỏi từ đó đến nay, có bao đền chùa rởm đã bị dẹp? Hay không ít trong số đó vẫn tồn tại như thường và biết đâu đến lúc nào đó người ta lại chạy được cả cái bằng di tích lịch sử đã xếp hạng, cấm vi phạm!
Chẳng cần nói đâu xa, hãy trở lại bài viết của ông: mặc dù in ra trên một tờ báo có đề rõ là Tạp chí của Bộ Giáo dục và đào tạo, mà đâu đã thấy có giáo sư hoặc tiến sĩ sử học nào lên tiếng, hoặc đồng tình, hoặc phản bác lại.
Thôi ông ạ, về bảo con cháu cứ theo sách mà học để còn kiếm điểm thành học sinh giỏi. Còn như cái chuyện chất lượng khoa học ấy ư, giới nghiên cứu nói chung và những người viết sách giáo khoa đang bận quá rồi, chúng ta có trách nhiệm không được làm phiền họ.
SỐ TRUY CẬP đang online