TẠI SAO NGƯỜI MÌNH KÉM NGOẠI NGỮ

ý thức và thói quen
làm bạn với người nước ngoài
quyết định tất cả


tiền lệ từng có
Từ chiến tranh trở về , những người viết văn thuộc lớp chống Mỹ chúng tôi lòng đầy háo hức .Trong số những việc liên quan tới việc lập nghiệp , có việc học ngoại ngữ …Ồ , cái đó cần lắm chứ , phải lo học , phải đi quốc tế , phải trở thành những trí thức thật đàng hoàng – nhiều người gặp nhau ở ý nghĩ ấy. Nhưng chẳng bao lâu , không ai bảo ai mà đều ngấm ngầm nhận ra một sự thực: Học khó quá . Hình như kiến thức nó cố trốn chạy khỏi mình. Như trong chuyện ngoại ngữ , dù có kiên trì đến mấy , học cũng không vào . Nhà văn nọ, có lần, sau khi tuyên bố hùng hồn là mình học tiến bộ lắm , xoè ra cho mọi người thấy một quyển sách tiếng Anh mới mua được ở một hiệu sách cũ . Chung quanh nhìn kỹ , thì ra đó là một cuốn sách tiếng Pháp . Dĩ nhiên về sau , cái sự gọi là quyết tâm kia có giảm . Có thương nhau thì bảo nhau lo viết ngay đi ; chứ còn việc học , mà nhất là việc đọc sách và xì xồ với nhau mấy câu bằng các thứ tiếng xa lạ -- một hai năm sau , mọi người nói nhỏ với nhau -- sao thấy nó phù phiếm quá (!).

và những nguyên nhân tương tự
Những kỷ niệm trên lập tức trở lại trong tâm trí tôi , khi đọc một số bài báo gần đây than phiền về việc sinh viên kém ngoại ngữ và nhất là cái cách người ta giải thích về tình trạng bê bết đó. Dù là việc học đang bị các trường xem nhẹ và tổ chức rất kém , song nhìn rộng ra , phải thấy điều kiện học của các bạn trẻ bây giờ đã khá hơn trước rất nhiều . Lại càng không nên nghĩ đến chuyện ký tính , sức nhớ , khả năng thông minh của người mình … Vậy thì tại sao cái sự kém cỏi kia hiển nhiên đến mức người ta phải báo động (và trong thực tế còn thổi vào tai nhau những chuyện tệ hại hơn nhiều )?
Nghĩ cho kỹ , tôi cho rằng phải nói tới những nguyên nhân tâm lý :
Nhìn vào lớp nhà văn chống Mỹ vừa nói ở trên , trước tiên tôi nhớ tới hoàn cảnh mà bọn tôi lớn lên , trong đó có những chuyện mà ngày nay không ai tưởng tượng ra nổi . Có một hồi người Hà Nội được xác định là “ ta chỉ nói chuyện với chính ta “ . Đi đường thấy tây đầm hỏi đường không được chỉ . Nghĩ tới người nước ngoài là nghĩ chuyện phải cảnh giác . Xưa nay nghề dịch vốn đã èo uột , vậy mà hồi đó báo chí văn nghệ còn gần như cai hẳn cái mục được coi là rắc rối này . Vả chăng , muốn làm cũng chẳng có gì mà làm . Sách Anh Pháp không nhập , ngay sách Trung văn cũng không có , bên Bắc Kinh đang cách mạng văn hoá . Một số cuốn sách xô - viết loại như Chuyện núi đồi và thảo nguyên in xong bị phê phán kịch liệt và thu hồi .
Quả thật trong một tình cảnh như thế , có ai còn bụng dạ nào mà nghĩ đến ngoại ngữ nữa . Điều đáng nói là lâu dần thành một thói quen, ngay cả khi những rào cản cụ thể hôm qua không còn , thì những rào cản trong tâm lý con người thì không phải bỗng chốc mà dỡ bỏ đi ngay. Nó đã ăn vào tư duy ,chi phối tình cảm và ý chí của nhiều thế hệ . Vì thế mới có tình trạng sống giữa sách vở ê hề , tài liệu chồng chất và gần như không chịu một hạn chế nào như hiện nay, người ta vẫn không thể có một sự giao lưu và tiếp nhận tốt như đáng lẽ phải có .

từ mấy mẩu chuyện có liên quan
tới một cách nhìn từ phía bên ngoài…
Mới đây thôi, một nhà văn Mỹ là S . Sontag qua đời . Tôi nhớ những năm chiến tranh , bà này có qua Hà Nội , và nghe nói nhận xét về người mình hay lắm , mà bọn tôi không được giới thiệu . Thì may quá , có hôm đọc thấy một nhà nghiên cứu văn học người Việt đang sống ở Melbourne kể rằng S. Sontag từng nhận xét người Việt Nam ít có thói quen tư duy trên một phạm vi địa lý rộng .
Đó cũng là cái ý mà một người Nhật gần đây có sống mấy năm liền ở Hà Nội nhận xét : Người Việt ít khi đặt mình vào địa vị của người khác để suy xét .
Tôi cho rằng chính những đặc tính trên đây cản trở việc học ngoại ngữ của ta hiện nay .
Nếu như câu chuyện trên đây còn hơi có vẻ xa xôi thì có những dẫn chứng gần gũi hơn : Hồi Phan Chu Trinh mới qua Nhật, ông có được gặp cả thủ tướng Nhật Bản lúc ấy mà phiên âm qua tiếng Hán Việt gọi là Đại Ôi . Câu đầu tiên mà Đại Ôi nói với Phan Chu Trinh : Tôi nghe nói người Việt Nam đã lâu , mà nay mới gặp , hoá ra người các ông ít đi nước ngoài thật . Tiếp đó , khi biết rằng người đối thoại với mình lúc ấy chưa biết tiếng Pháp, Đại Ôi tỏ vẻ ngạc nhiên : Sao lại thế , muốn đánh đuổi gì người ta cũng phải hiểu người ta đã , không học tiếng Pháp sao được ?

…tới một sự so sánh nội bộ
Những anh em lên Sapa về thường kể , không hiểu tại sao tuy chỉ tích luỹ theo kiểu học lỏm khách du lịch mà nhiều thanh niên dân tộc H’mong trên đó nói tiếng Anh rất giỏi , trong khi nhiều người Kinh mình học có bài bản hẳn hoi mà nói vẫn rất quê .
Nhìn kỹ vào chuyện có vẻ ngược đời đó , vẫn trên cái mạch đi tìm những ảnh hưởng của văn hoá đối với việc học ngoại ngữ , tôi muốn nêu một giả thiết :
Tuy không nói ra rành rọt , nhưng những thanh niên H’mong kia hiểu rằng ngoài cái thế giới mà họ đang sống , còn có thế giới rộng hơn, thế giới của người Kinh . Và muốn tồn tại họ phải hoà nhập với thế giới đó . Tức là ý thức về mình và kẻ khác của họ đã phát triển và nó ăn vào trong tâm thức họ , đời nọ truyền sang đời kia. Khi tiếp xúc với một thứ tiếng mới , họ có nhu cầu buộc mình cố bắt chước nói cho thật giống .
Còn ngược lại , nhiều người vùng xuôi khi tiếp xúc với người nước ngoài , tuy ở ngay các đô thị lớn, song thường thiếu nghiêm túc , không coi là chuyện thiết yếu liên quan đến cuộc sống của mình . Sự xem thường đó là cả một thứ vô thức tập thể kéo dài và bền chắc , nó lưu cữu trong ta , và tha hồ tác oai tác quái .

một sự mệt mỏi …không nên có
Tôi đang công tác ở một nhà xuất bản . Thỉnh thoảng , cơ quan tôi cũng có khách nước ngoài và khi tiếp khách, ông giám đốc không quên mời một số nhân viên cùng dự . Nhưng sau một ít lần háo hức , những ngày gần đây, phải thú thực tôi rất ngại . Phần thì tiếng tăm không biết . Phần thì , trong những buổi gặp đó , thường chúng tôi hiện ra vô duyên thảm hại . Đại khái muốn trò chuyện về văn chương thì phải hiểu văn chương nước người ta ra sao, muốn bàn về xuất bản phải hiểu tình hình xuất bản bên họ thế nào . Đằng này chúng tôi mù tịt . Một anh bạn tôi , đầu óc cũng rất tỉnh , là Vũ Quần Phương , kể : Nhiều cuộc gặp gỡ của các nhà văn ta với nhà văn nước ngoài bí chuyện trao đổi với thảo luận quá , rút lại chỉ còn nói tiếu lâm và bàn chuyện ăn uống , đại khái hỏi họ bên nước ông ăn thìa hay ăn đũa , rồi tán dần ra .
Vài lần chầu rìa và ngồi nói tào lao như thế qua đi , giờ đây “nhỡ “ được gọi tiếp khách là tôi xin kiếu . Một số bạn bè cùng lứa cũng có tâm trạng như trên . Chúng tôi muốn các bạn trẻ biết cho chuyện này và đừng lặp lại . Dẫu sao , khi vào đời , một sinh viên cũng phải có được một ngoại ngữ . Đó là dấu hiệu để có thể nói rằng mình và thế hệ mình đã đi ra và làm bạn với thế giới . Mà cũng chính là phương tiện để đạt tới cái đích tự nhiên đó /.
SỐ TRUY CẬP đang online