HỘI NHẬP ĐỒNG NGHĨA VỚI … THÓ

Mươi mười lăm năm trước dân ta đã thích xem thiên hạ người ta đá bóng lắm rồi , có điều hồi ấy làm gì đã có những chương trình truyền hình trực tiếp như bây giờ . Đến sớm nhất là những thông tin do đài hay báo cung cấp . Nhưng đó chỉ là kết quả trận đấu . Còn hình ảnh sẽ xem về sau . Mà cũng là gặp chăng hay chớ , may thì có không may thì chịu . Nếu có dịp viết hồi ký chắc anh em làm truyền hình hồi ấy kể ra được lắm chuyện gian nan trong việc xoay sở để kiếm một chương trình chiêu đãi bà con mê bóng đá cả nước .
Nay nhờ nỗ lực liên hệ với các hãng tài trợ , các nhà đài đã luôn luôn có những chương trình trực tiếp để chiếu đều đều . Nhờ vậy có thể yên tâm nói rằng trong việc tiếp nhận thông tin thể thao , khán giả VN hoàn toàn bình đẳng với người hâm mộ thế giới .
Tuy nhiên có một điều tôi không khỏi băn khoăn trước và sau khi được xem một trận đấu , ấy là những lời lẽ của bình luận viên và cả những dòng chữ trên màn ảnh nhỏ: Các bạn vừa xem buổi truyền hình trực tiếp của đài chúng tôi, hoặc Chương trình do đài...( VN ) tường thuật trực tiếp từ .... Đại khái bao giờ cũng là như vậy .
Về nguyên tắc , cả hai cụm từ đài chúng tôi ( cả đài TW lẫn đài địa phương ) lẫn truyền hình trực tiếp đều đúng . Tôi chỉ thấy gợn khi kết hợp chúng với nhau . Theo nghĩa đen , ai cũng hiểu nếu truyền hình trực tiếp tức là đài phải mang máy quay ra sân , người quay là của mình , rồi đạo diễn là của mình , cho khán giả xem góc độ nào là do đạo diễn mình quyết định . Trong thực tế , tất cả các việc này các đài lớn người ta đã làm . Đài ta chỉ còn có mỗi một việc là “bắt” những chương trình của người rồi chuyển vào kênh thích hợp , phát cho dân xem , kèm theo những lời bình luận của phóng viên VN . Vậy nói cho nghiêm chỉnh , đó có phải là đài chúng tôi truyền hình trực tiếp , tường thuật trực tiếp không ? Hay ta nên nói là một sự tiếp hình , tương tự như tiếp âm mà bên truyền thanh lâu nay vẫn dùng ?
Trong thực tế thông tin hàng ngày, còn nhiều trường hợp không được chính danh tương tự .Không kể các nhà báo quốc tế thường xuyên lấy bài của người ta rồi xoay lại chút ít cho hợp với yêu cầu trong nước , và đàng hoàng ký tên mình ở cuối bài --- ngay trong nghiên cứu khoa học ( đây tôi nói khu vực tôi biết là khoa học xã hội ) , một số giáo sư tiến sĩ cũng chiếm dụng vốn của người ta một cách khá hồn nhiên. Đầu đuôi cũng chỉ vì ít người làm nghiên cứu ở ta có khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo , mà ngành thông tin khoa học lại quá kém . Thành ra chỉ cần đọc , hiểu và viết lại một cách chính xác các thứ kiến thức mới mẻ ở nước ngoài cũng đã oai lắm . Thế nhưng đáng lẽ chỉ nên tự xem như văn phòng đại diện cho một tư tưởng nào đó ( như các đại diện của BP của Honda ... bên thương nghiệp ) thì người ta lại làm như mình phát minh ra những tư tưởng cao xa kia và thản nhiên ngồi cho đồng nghiệp chiêm ngưỡng .
Nhìn sang khu vực tiếp nhận văn hoá : một số ngành nghề ở nước ta vốn là do người mình đi nước ngoài học được rồi truyền nghề cho nhau , cố nhiên về sau ta cũng có thêm bớt chút ít và đã thành một mặt hàng truyền thống , song suy tận gốc vẫn là ngoại nhập . Thời phong kiến các làng nghề vẫn có ghi chép rõ ràng nghề này do cụ A. cụ B . đi sứ học được rồi dạy cho dân làng . Thế nhưng gần đây nhiều cuốn sách viết về lịch sử các nghề cổ truyền ở ta ( ngay cả sách giáo khoa dạy ở các trường ) cứ lờ hẳn đi cú hích ban đầu ấy , coi như cụ A. cụ B. phát minh ra nghề luôn.Câu chuyện của các bạn làm truyền hình bóng đá do đó chỉ bộc lộ cho thấy một cách làm cách nghĩ có ở nhiều ngành khác. Một sự vô ý , chưa tách được mình ra khỏi người. Mà khách quan lại như là thiếu sòng phẳng .
SỐ TRUY CẬP đang online