Hội nhập, Một thực tế không thể lảng tránh

“Giao lưu quốc tế “, “tiếp nhận và học hỏi kinh nghiệm nước ngoài “ “ hội nhập “... chung quanh một vấn đề lớn như vậy, hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nhằm góp phần vào cuộc trao đổi chung, TT&VH đã có cuộc trò chuyện sau đây với các nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân và Vương Trí Nhàn.

Các ông có thể giải thích sự quan tâm của dư luận rộng rãi đối với vấn đề hội nhập ?

Lại Nguyên Ân (L.N.A)
Nhìn vào đời sống văn hoá hàng ngày, sự có mặt của cái gọi là hàng ngoại sản phẩm ngoại đã là hiện tượng bình thường. Trong khi mọi người xem phim và nghe băng đĩa mới nhập thì giới chuyên môn ngong ngóng chờ tin các giải thưởng quốc tế, hoặc truyền tay nhau đọc các loại sách dịch, vậy thì lúc nào chúng ta chẳng hội nhập ? Gần đây tình hình có vẻ “nóng “ hơn, căn bản là vì ngày càng dồn dập thêm nhiều sự kiện : một vài tác phẩm của mình được dịch ở nước nọ nước kia, người ta có bàn tán ; rồi chuyện năm nào cũng có người qua Thái Lan nhận giải thưởng văn học Đông Nam á ; rồi những cuộc hội thảo những lớp học, chuyện đi tham quan và tìm hiểu văn học nước ngoài, theo nhiều con đường khác nhau và dưới nhiều hình thức khác nhau. Trước kia là việc của một hai người, thì nay là việc của rất nhiều người, có sự quan tâm bàn tán thì cũng dễ hiểu.

Vương Trí Nhàn( V.T.N)
Trong chuyện này tôi có một kỷ niệm. Năm 1995, trong một bài phát biểu tại một cuộc hội thảo, sau đó có in trên báo Văn nghệ, tôi đã nêu vấn đề người làm văn chương ở ta cần bảo nhau lo hội nhập để tránh nguy cơ tụt hậu. Có lẽ hoàn cảnh lúc ấy khác, xã hội chưa có nhu cầu, nên có một số người không đồng tình, và nói chung là nhiều người không để ý. Còn dăm năm gần đây, đúng là có tình hình như anh Ân vừa nói, giao lưu quốc tế đang là suy nghĩ của mọi người, nên câu chuyện được mang ra bàn nhiều hơn. Một lý do nữa : khi sự sáng tác đang có phần bí, và nhu cầu đổi mới ngày một rõ rệt, thì cái việc mong muốn tìm tới một sự gợi ý từ đời sống văn học bên ngoài, qua đó khẳng định những tìm tòi của mình, lại càng dễ được chấp nhận. Hội nhập không chỉ là nhu cầu của hưởng thụ mà còn là nhu cầu của chính sự sáng tạo.
Liệu có thể nói quá trình đang được tiến hành một cách có hiệu quả ?

L.N.A.
Đâu có dễ vậy! Quan sát đời sống hàng ngày, có thể thấy ngay những nền nếp văn hoá mới, như các loại mốt hiện đại,rồi nhạc Jazz, ngày Valentin, rồi đơn giản là sinh nhật,đi pích-ních … thường do các bạn thanh niên khởi xướng. Trong sáng tác văn học cũng vậy, xưa nay những đổi mới thường cũng trông vào lớp trẻ. Mà lớp trẻ hôm nay lớn lên vào một hoàn cảnh quá bề bộn còn bản thân lại lại quá non, nên dù nôn nóng bắt kịp với thế giới, họ cũng không dễ làm ngay được.

V.T.N
Tình hình giờ đây rõ là khá hơn, nhưng lại đáng quan ngại theo hướng khác. Không phải cái gì người ta muốn là đã làm ngay được. Không có hiểu biết chắc chắn về văn hoá nước ngoài nên thường khi là nhập sai nhập bừa, cái đáng nhập không nhập, lại đi rước về toàn cái dở. Còn nhìn vào việc đổi mới công việc sáng tác, thì có một sự thật là nhiều người viết văn đang trong trạng thái lùng nhùng, vừa muốn hội nhập vừa ngại ngần, chỉ lo nếu hội nhập thì rồi liệu mình có viết được nữa, và có ai đọc mình nữa không. Lâu nay trì trệ nên giờ nghĩ tới thay đổi là e sợ. Bí quá liền xoay ra cù nhầy, bám vào chuyện bản sắc để níu kéo nhau lại.
Thế nhưng dẫu sao nỗi lo mất bản sắc vẫn là nỗi lo chính đáng..

V.T.N :
Để có thể giữ gìn bản sắc, trước tiên cần phải biết mặt mũi cái bản sắc ấy ra sao. Mà trong chuyện này, hình như chưa ai nói được một cách thuyết phục, ngược lại nhiều người thường khi là nói vơ vào,và toàn “thuyết “ những chuyện đâu đâu để yên lòng nhau.Thành thử nói ra có vẻ nghịch lý nhưng đúng vậy : chính qua tiếp xúc với người mà mà rồi ta mới biết mình hay ở chỗ nào dở ở chỗ nào. Qua người hiểu mình, qua hội nhập mà xác định được bản sắc, đấy là một lý do nữa buộc ta phải tính chuyện hội nhập. Còn đối lập hội nhập với giữ gìn bản sắc là một cách đối lập giả tạo.

L.N.A
Đúng là chính cái chuỵện bản sắc ấy phải được quan niệm lại, và nếu như trong bản sắc có những cái dở thì phải loại bỏ, những cái “lô-can “ quá “bản địa “ quá cũng không nên và không thể đề cao. Vừa rồi Số đỏ được dịch in ở Mỹ và bản dịch được nhiều người khen. Nhân đó tôi nghĩ hình như trong việc đi ra với nước ngoài, ông Phụng có thuận lợi hơn, vì ông hướng về thế giới nhiều hơn các nhà văn khác.

V.T.N
Có phải anh còn muốn nói là có thể lấy việc một nhà văn khó khăn hay dễ dàng khi “đi “ ra nước ngoài ( tức là khả năng hội nhập đến đâu ) làm một trong những tiêu chuẩn chính để xem xét đánh giá xem thành tựu của người ấy ?

L.N.A
Có lẽ là như vậy.
Đang có những chuyện phiền lòng nảy sinh khi mở cửa : đó là các loại học đòi pha tạp trong ăn mặc cư xử nói năng viết lách.... Có cách nào để tránh được chăng ?

V. T. N.
Thuở giao thời bao giờ chẳng lắm chuỵện nhố nhăng, chỉ cần giở thơ Tú Xương với văn Nguyễn Công Hoan ra là thấy ngay ; thậm chí ở đây còn có thể nói tới một thứ “ truyền thống “ cần từ bỏ : khi tiếp nhận văn hoá nước ngoài, ta thường chỉ học lỏm học mót và dễ học những cái xấu hơn cái tốt. Tuy nhiên, càng biết như vậy lại càng phải đặt vấn đề hội nhập một cách nghiêm chỉnh, tức là có sự nghiên cứu kỹ càng, có được sách lược chiến lược khôn ngoan, hợp lý, và thường xuyên biết vượt qua cái lầm lỡ nhất thời để chọn lấy cái tốt đẹp lâu dài.
Triển vọng của cuộc hội nhập ra sao ? Trước mắt có những việc gì nên coi là cấp thiết cần lo ngay để quá trình này có thể tiến hành một cách tốt đẹp ?

L.N.A
Theo sự quan sát của tôi, trong đời sống sáng tác gần đây, có sự trở lại của một lớp nhà văn như Xuân Khánh, Châu Diên, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bản, Dương Tường và cả Bão Vũ nữa. Khác với một số nhà văn trẻ, họ là những người có một căn bản văn hoá chắc chắn, sớm được tiếp xúc với văn học nước ngoài. Nói như danh từ bây giờ tức là họ đã tính chuyện hội nhập sớm. Nên mặc dầu có một thời gian lận đận, cuối cùng họ cũng đạt được những đỉnh cao trong sáng tác và được xã hội thừa nhận. Qua đây tôi chỉ muốn nói hội nhập là việc lâu dài, người trong cuộc không nên quá sốt ruột, có đi khắc có đến.

V.T.N
Tôi xin trả lời vế thứ hai của câu hỏi. Lịch sử văn học dân tộc từng biết tới nhiều thành công và thất bại trong hội nhập, chẳng hạn việc tiếp nhận văn hoá Trung Hoa trong trường kỳ lịch sử hoặc việc hiện đại hoá theo mẫu hình văn hoá phương Tây nửa đầu thế kỷ XX. Trước mắt cần nghiên cứu kỹ những hiện tượng đó để chỉ ra chỗ hay chỗ dở, và khái quát lên thành những bài học cho ngày hôm nay. Mặt khác, lại cần có người bỏ công theo dõi nghiên cứu tình hình hội nhập ở các nước khác trên thế giới nhất là ở những nước tình hình có những nét gần gũi với ta để rút kinh nghiệm. Khi đã coi quá trình này là tất yếu thì tránh nhất là để cho tình hình nẩy nở tự phát, ngược lại, phải nỗ lực tính toán thế nào để làm việc đó một cách tối ưu.

Đức Trung (thực hiện)
SỐ TRUY CẬP đang online