XIN ĐỪNG TỰ ĐỒNG NHẤT KIỂU ẤY !

Báo Văn nghệ vừa có thông báo từ nay phụ bản Thơ không chỉ ra hàng quý mà còn ra hàng tháng. Trong bài viết in trên trang đầu của số in kỳ này, ban biên tập dẫn lại câu nói của Octavio Paz “ Thiếu Thơ thì đến cả ăn nói cũng trở nên ú ớ “. Tiếp đó còn viết “ Điều đó chứng tỏ Thơ là linh hồn của mỗi dân tộc, là căn cốt của nền văn học “ ( chữ Thơ ở đây được viết hoa dù trong một số tài liệu Octavio Paz viết về thơ mà tôi đọc được không thấy có cái sự viết hoa này ).
Nói khách sáo thì có thể bảo đây toàn là những lời vàng ngọc, nhưng thôi, cứ nôm na mà nói, đây toàn là những lý lẽ tuyệt đối đúng đắn. Không chỉ riêng Ban biên tập tờ Thơ mà nhiều cây bút khác cũng có ý nghĩ như vậy. Tuy nhiên xin bổ sung đôi điều có liên quan đến những khái quát này :
Cái sự cao quý sang trọng nói ở đây là dành cho những gì đích thực là thơ chứ không phải dành cho những thứ nghe mang máng là thơ, được đọc một cách hùng hồn hoặc mùi mẫn làm cho người ta tưởng là thơ, và in trên mặt giấy cũng có dạng thức nhang nhác như thơ -- mà nhìn kỹ nghe kỹ ngẫm kỹ thì không phải. Thơ thứ thiệt, cũng như mọi thứ tinh tuý trong đời, có đâu mà sẵn như chúng ta tưởng.
Một tình hình có thực đang xảy ra là : sau khi sưu tầm được ít nhận xét cổ kim sâu sắc, một số người làm thơ hiện nay có thói quen lấy chúng khoác cho thơ mình, tức là đồng nhất những gì mình viết với thứ nghệ thuật cao siêu khả kính mà nhân loại đã sáng tạo. Chỗ trong nhà với nhau mà nói, lúc hứng lên, chẳng hạn bên bàn nhậu với đám bạn bè, hay lúc cần thuyết phục vợ để mẹ cháu chi cho mấy đồng tiêu vặt … thì cũng được đi. Nhưng tôi tưởng lúc tỉnh táo thì một người nghiêm túc phải có chút dè dặt tự hoài nghi về mình, chưa bằng lòng với mình, và lại càng không cho phép mình sưng sưng mà nhận như vậy trước bàn dân thiên hạ. Bởi cái sự lầm lẫn tự nhiên tự phát ấy suy cho cùng dễ bị coi là một trò bịp, một cách dối mình dối người, nó cản trở chúng ta đi tới trên con đường tự hoàn thiện và vươn tới thứ thơ chân chính như mình ao ước.
Nhiều lúc tôi cứ hay nghĩ vân vi trước những câu nói thông thường mà mình và chung quanh vẫn nói. Ví dụ nói sự sống bao giờ cũng là tốt đẹp là đáng ca ngợi đã đúng chưa. Bởi có sự sống của con chim đang bay hoặc đoá hoa mới nở, nhưng cũng có sự sống của dán của muỗi, của các loại vi trùng sinh bệnh -- mà cái sự sống thứ hai này cũng được khoa học xem là bất diệt, ít ra là đến ngày hôm nay.
Người đời, dù nguỵ biện đến đâu, cũng chẳng bao giờ dám nhân danh sự sống để ca ngợi một luống hoa um tùm những cỏ.
Nói rằng sự phân biệt giữa thơ dở và thơ hay ít nhiều cũng có phần tương tự như sự phân biệt giữa hoa thơm và cỏ dại có thể là hơi quá lời. Nhưng tôi muốn đề nghị chúng ta nghĩ theo hướng đó. Phải biết chán ghét thậm chí ghê sợ thơ dở thì mới mở đường cho thơ hay xuất hiện.
SỐ TRUY CẬP đang online