Nếp sống nếp nghĩ

ầm ỹ chuyện nhỏ và
buông trôi chuyện lớn

Vụ bàn tán chung quanh cuốn sách giáo khoa lớp một xôn xao một thời rồi cuối cùng cũng đã dịu lại . Thời gian trôi đi, bây giờ nhìn lại chúng ta thấy gì ? Một số chỗ yếu của cuốn sách này như cách biên soạn không khoa học , không đề rõ tác giả những câu thơ trích dẫn , hoặc khái quát hơn , thiếu vắng chất lượng văn học , thật ra là khuyết điểm của nhiều tập sách giáo khoa khác . Cả cái chuyện dạy chữ e trước chữ a cũng vậy . Cách giải thích của Bộ giáo dục khá đơn giản và thuyết phục : dạy chữ nào trước chữ nào sau là cốt làm sao học sinh dễ tiếp nhận . Còn trật tự abc của bảng chữ cái thì đâu có vì thế mà đảo lộn .
Sau một hai tháng nghĩ lại , hẳn nhiều người đã thấy chúng ta quá làm ồn chung quanh cái chuyện đơn giản đó .
Trong y học có khái niêm stress để chỉ những tác động của các biến cố quá tải đối với thể chất và tinh thần của con người . Chưa ai nghiên cứu đời sống tâm linh của người Việt trước những xáo động hàng ngày của đời sống hôm nay chỉ biết cái stress ấy có vẻ đang là có thật . Nay là lúc chúng ta rất dễ bực mình vì những chuyện đâu đâu . Thế nhưng thử nghĩ lại xem , có phải là bao chuyện quan trọng hơn nối tiếp bị buông trôi . Lại xin bắt đầu từ ngành giáo dục : theo con số mà báo chí tiết lộ , trên 80 % học sinh đã tốt nghiệp phổ thông thi vào đại học chỉ đạt kết quả dưới trung bình , đến nỗi ngành đại học ọp ẹp phải tiếp tục hạ chuẩn mới đủ sinh viên . Liệu có thể kết luận như thế nghĩa là con số học sinh giỏi học sinh xuất sắc hàng năm ở tất cả các cấp mà ngành giáo dục vẫn tự hào chỉ là con số giả tạo , bắt nguồn từ lối phóng tay cho điểm thật cao để lấy thành tích , còn trong thực tế chất lượng cả ngành là đáng báo động đỏ ,và nói cho nghiêm khắc tức là các thày các cô đã thường xuyên lừa dối xã hội mà không hay biết ? Học sinh chúng ta học theo chương trình và phương pháp cũ kỹ , cấp một mỗi lớp lèn chặt năm sáu chục em , cấp hai cấp ba học các môn vật lý hoá học toàn học chay ( nhiều trường ở ngay thành phố lớn cũng không có phòng thí nghiệm và ở một số trường mẫu nào đó nếu có thì cũng cổ lỗ , chắp vá ) , liệu có thể xếp ở mức nào so với học sinh cùng lớp ở các nước khác ? Và điều đáng nói hơn tại sao nhiều người vẫn coi chuyện ấy là bình thường , không ai nổi cơn thịnh nộ , không ai để công tìm hiểu đến cùng xem thực tế là như thế nào , nên yêu cầu ngành giáo dục giải trình ra sao về cách sử dụng đồng tiền mà ngân sách hàng năm dành cho giáo dục nói chung cũng như cách cho điểm cùng là cách dạy cách học hiện nay . Chuyện không có gì mà làm ầm ĩ trong khi chuyện quan trọng lại bị bỏ qua , phải chăng đó chính là bóng dáng của stress , một bệnh thường thấy ở các xã hội hiện đại ?
SỐ TRUY CẬP đang online