Nghề trẻ, vai trẻ

Tuổi trẻ là gì? Là hương sắc của đời, là quà tặng của tự nhiên cho mỗi cá nhân. Là gì gì nữa... nhưng không bao giờ là vai để người ta đóng, là nghề giúp người ta sống.
Khoảng hơn hai chục năm trước, với đám tập tọng làm nghề chúng tôi, tên tuổi nhà văn N. đồng nghĩa với văn học. Mặc dù rất trẻ 24 hay 25 gì đó - nhưng truyện của N. thường xuyên được nhắc nhở trên đầu miệng của mọi người, báo nào cũng chèo kéo mời mọc. Truyện anh viết được người trong giới truyền tay nhau từ khi chưa in, rồi chờ đợi đọc bản in, rồi chờ lần nữa, đọc bằng tai qua làn sóng phát thanh. Kế đó, từng người lại sung sướng đọc lại từng cái một trong các tuyển tập in chung và tập truyện đầu tay in riêng của N. nữa. Tưởng trên đời này, không còn ai xứng đáng với danh hiệu nhà văn trẻ như N. Trẻ, đồng nghĩa với mới mẻ sáng tạo - xưa nay ai mà chẳng nghĩ thế. Sức trẻ! Tài trẻ! Vẻ đẹp của tuổi trẻ! Ôi, như anh K. cái mồm sắc sảo nhất trong giới đã gọi, nó là một thứ nhung, tuyết, lờ mờ, mỏng mảnh, phủ bên ngoài tác phẩm, nhưng chỉ nhờ có nó, sáng tác của người ta mới trở thành sự sống có hương có nhuỵ, nên ai cũng thèm. Lớp chúng mình già rồi, vẫn lời K. nói, lấy đâu ra thứ nhung thứ tuyết ấy được? Khi nói mấy câu ấy, trong mắt K, toát lên cái vẻ u hoài xa vắng. Thật là buồn khi người ta nghĩ mình không còn trẻ nữa, tuy năm ấy những người như K. chưa đầy 40.
Về phần mình, với cái danh hiệu nhà văn trẻ, N. cứ thế tồn tại dài dài. Mỗi khi cần chứng tỏ rằng chúng ta bồi dưỡng được nhiều tài năng mới, người ta lại lấy anh ra làm ví dụ. ở trung ương có. Mà ở địa phương cũng có. Trong hội nghị các nhà văn nói chung, anh là tiếng nói đại diện cho lớp trẻ đang lên rất tự hào. Đến hội nghị các cây bút trẻ, anh lại được yêu cầu ngồi lên hàng đầu, bẽn lẽn ngượng nghịu mà ngồi, trở thành cái đích trông ngắm của bàn dân thiên hạ. Cho đến vài lần đi họp hội nghị quốc tế -thế giới bây giờ người ta cũng chuộng trẻ - lại cũng N. nốt. Nên nói thêm là vào những năm ấy, đi quốc tế còn là chuyện hạt gạo trên sàng. Đãi đi đãi lại hàng bao nhiêu lượt! Nhưng cuối cùng người ta vẫn thấy cử N. đi là yên tâm nhất, vì dẫu sao cái vai nhà văn trẻ này anh đã sắm hàng chục năm. Thạo rồi, có nghề rồi không ai thay được. Kể ra, khi bảo nhau vậy, loáng thoáng cũng đã có người người nghĩ, lẽ ra nên để người khác, vì N. đâu còn trẻ nữa. Từ lúc anh bắt đầu viết đến nay, đã mười mấy năm, ông nhà văn trẻ này đã là bố của mấy đứa con, và đứa lớn nhất trong đám đã ngấp nghé cái cảnh lên xe hoa về nhà chồng. Khi cái chuyện ấy mà xảy ra thì N. của chúng tôi đã là ông ngoại, gọi là nhà văn trẻ để cháu nó chết sặc vì cười à? Vả chăng sáng tác của N. cũng không trẻ nữa, nó cằn cỗi như vô số các thiên truyện xuềnh xoàng vẫn đăng báo. Nhung tuyết đâu còn! Người ta chỉ đăng để lấy lòng anh. Và người ta lập tức tắt đài khi những thiên truyện đó được đọc trên đài. Nhưng có hề gì! Nghĩ rồi tặc lưỡi để đấy, việc nọ việc kia nối tiếp, không ai hơi đâu bới ra cho mệt. Thời buổi này mọi cái đều tương đối. Thì truyện của N. cằn đi cũ đi có sao? Thì cứ giao cho một ông hai chục năm liền cái vai là nhà văn trẻ đã chết ai chưa? Chính N., ông ấy không phản đối là được rồi chứ gì? Là mọi người bốc lên sừng sộ với nhau mấy câu như thế, chứ hơi đâu mà nhà văn trẻ N. của chúng tôi phản đối. Hình như chính anh cũng biết văn anh không hay nữa, nên chỉ thỉnh thoảng anh mới in cho phải phép, ngoài ra, lấy cớ rằng dạo này cần phải suy nghĩ cho đằm hơn chín hơn, anh không viết. Được cái họp hành thì anh vẫn cần mẫn, khi nào có dịp đứng lên phát giểu, anh nói ai nghe cũng bùi tai, lấy đâu ra một người nhập vai nhà văn trẻ ngon lành như thế? Lại vẫn xưng em với các bậc đàn anh, vẫn khiêm tốn nhũn nhặn như xưa mới quý chứ! Người đưa ra những nhận xét này vẫn là anh K. cây bút thuộc loại “biết người biết của” bậc nhất trong giới chúng tôi. K. nói thế, xuất phát từ những kinh nghiệm làm việc riêng với N. Chả là trời khéo se duyên, hai anh thường cùng được cử đi công tác, một với tư cách nhà văn lớp trước, một đại diện cho các nhà văn trẻ, mặc dù vào những năm sau này, hai anh trông chỉ chênh nhau chút ít, người gần 60, người gần 50, và nhìn kỹ có lúc thấy người gần 50 chân tay còn nhăn nheo hơn người gần 60.
Đọc các tuỳ bút mang đậm tính chất tự truyện của Nguyễn Tuân trước 1945, rồi cả khi gặp Nguyễn Tuân trong đời, người ta luôn luôn có cảm tưởng ông sớm thâu thái hết mọi vui buồn trong cuộc đời, cách nói năng cư xử của ông là của người đã ngấu đã chín với đời lắm rồi. Mà thực ra, lúc viết Vang bóng một thời, ông mới chưa đầy 30 tuổi. Hình như con người ấy sinh ra là để đóng vai một nhà văn già, ông già ngay khi còn trẻ. Đặt bên cạnh Nguyễn Tuân, có cảm tưởng những người như anh N. của chúng tôi được trời giao cho cái vai ngược lại, vai suốt đời làm người trẻ, phải trẻ ngay cả lúc đã già. Thử hỏi trên đời này, có ai không thèm trẻ? Trẻ mới khó, còn già lúc nào chẳng kịp! Được trời yêu thế, còn nhõng nhẽo đòi hỏi gì nữa sao? Giá kể có K. ở đây, anh ấy sẽ đế vài câu thật khéo, đại khái như vậy. Thử tưởng tượng một lần nào đó có cuộc gặp gỡ giữa nhà văn trẻ N. với lớp bạn đọc thanh niên thời nay. Một bên như trong các thiên truyện mơ mơ màng màng của Paustovski rón rén bước ra. Một bên như từ các tiểu thuyết Mỹ “sổng chuồng” trở về. Một bên như đám thanh nữ hồi đầu hoà bình 1954, tóc kết bím lại thắt nơ, áo xanh xi-lâm và hát ương ca. Một bên quần gin, áo bò, vừa uống bia hộp, vừa nghe nhạc rốc. Nhưng mà xin các bạn trẻ chớ có từ chối. Trên danh nghĩa, N. vẫn là nhà văn trẻ của các bạn! Anh ấy sẽ đóng vai ấy cho đến khi về hưu! Hết nhung hết tuyết thì đắp thêm vào. Còn cái mặt nạ trẻ, đã dính vào da thịt rồi, đố ai mà gỡ ra được.
SỐ TRUY CẬP đang online