LẤY ĐÂU RA NHỮNG TỔNG KẾT GIÁ TRỊ ?

Vào dịp năm cũ qua đi năm mới vừa tới, đọc báo chí nước ngoài thấy chỗ nào cũng có những tổng kết với xếp hạng đánh giá mà đâm sốt ruột : ở ta việc này thường làm quá kém !
Chẳng hạn trong lãnh vực văn nghệ, nhất là chung quanh văn chương, thì hình như lâu nay mọi người đã nản lòng, đến kỳ đến hạn phải tổng kết mà ai cũng ngại, các biên tập viên không muốn đi đặt bài, các nhà chuyên môn lẩn tránh không muốn phát biểu ý kiến, và cực chẳng đã có người nào nhận làm thì cũng không tin lắm ở hiệu quả cái việc mình làm, chỉ đại khái làm cho xong chuyện.
Đến như người đọc, có thể đoán nay là lúc ít ai có ý ngóng chờ, nhiều người thậm chí trông thấy những bài gọi là tổng kết này trên mặt giấy vẫn dửng dưng, trong bụng thừa biết rằng cái thực trạng đời sống văn chương nó ở chỗ khác chứ còn những từ ngữ hoa mỹ kia đâu có viết cho mình, làm sao mà tin rằng nó khái quát được một vấn đề gì đó, và một khi người ta đã đọc nó một cách qua loa thì lấy đâu ra những sự tán thành hay bác bỏ một cách tâm huyết.
Kể ra, cái sự không thể tổng kết, không sao tổng kết được, không khó cắt nghĩa :
Ngay trong đời sống hàng ngày chúng ta đã quan liêu với nhau. Sách vở in ra tràn ngập song gần như ai viết cái gì chỉ người đó với may ra một ít bạn đọc của người đó biết mà thôi. Việc điểm sách trên mặt báo hiện thời mang tính cách tuỳ tiện gặp đâu làm đấy mỗi nơi làm một kiểu và khôngcó sức bao quát. Thế thì cuối năm lấy gì làm cơ sở để mà tổng kết với xếp hạng ?
Nhìn vào thực chất của đời sống sáng tác, lâu nay nhiều người đã nói tới tình trạng đáng quan ngại, ấy là công việc ăn rộng ra theo bề mặt mà thiếu sự phát triển theo bề sâu. Có nền mà không có đỉnh, cái cách nói ấy bây giờ đã được công nhận đến mức chẳng làm ai bực mình.Trong cái vẻ hết sức đa dạng của các công trình sáng tạo, các tác phẩm lại giống hệt nhau ở mức độ đầu tư lao động ít ỏi, mức độ thâm canh sơ sài. Và ai cũng hiểu vậy cả, hiểu rằng chẳng có thì giờ, nhất là càng không đủ kiên nhẫn để làm cái gì cho kỹ càng cả. Vội vội vàng vàng, chạy vạy lo liệu cốt sao công phu tối thiểu mà lợi ích tối đa, thế là thắng rồi ; còn như một cái gì giống như lý tưởng, như những gì hồi trẻ từng ước ao, trong bụng không dám nghĩ tới.
Nhìn vào những người còn chút nghiêm túc, không biết có phải là xa sự thực lắm nếu phỏng đoán trong khi lẳng lặng làm việc, hình như chúng ta đang sống bằng những niềm tin riêng của mình và mỗi cá nhân theo đuổi một chuẩn mực riêng ? Thước đo đã khác nhau thì còn đo đạc làm sao bây giờ.
Một điều có thể an ủi : lâu nay, mọi người đã được miễn dịch. Trong sự bất lực chung, nhiều cây bút vẫn đang viết ào ào. Thế nhưng tôi tin cái sự mỗi người như kẻ đi đêm lọ mọ sống và viết, trong khi bức tranh chung mờ mờ nhạt nhạt,cái tình trạng ấy còn đang dẫn tới tình trạng vô cảm. Đèn nhà ai nhà ấy rạng, không tìm thấy người hơn mình để học hỏi để kính trọng, nhất là để tìm thấy đà kích thích cho công việc riêng của mình, kể cũng buồn lắm chứ !
Vả chăng, theo lô-gích mà suy, thì như một câu trong Truyện Kiều, một mình lưỡng lự canh chày đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh, một khi công việc hôm nay làm đã không sao tổng kết xếp hạng được cho rành mạch, tự nhiên là việc tương lai cũng không ai dự đoán nổi./.
SỐ TRUY CẬP đang online