Khi các nhà văn viết về người cùng nghề

Lâu lắm rồi trong một buổi họp, tôi có được nghe nhà văn Nguyễn Đình Thi nêu một nhận xét nhỏ, song lại có ý nghĩ khái quát.
- Cái vốn lớn nhất của mỗi nhà văn chúng ta nhiều khi lại chính là vốn hiểu về các đồng nghiệp.
Có thể đến nay, người nói đã quên, song bản thân tôi thì còn nhớ mãi, bởi câu nói đó là một gợi ý giúp tôi giải thích sự tồn tại của một mảng văn chương khá hấp dẫn, là mảng văn chương các nhà văn nhà thơ viết về những người cùng làm nghề như mình. Vâng, đã sống với nhau trọn một đời trong nghề, thương yêu nhau có, chen cạnh nhau có, lúc vui đùa hả hê, lúc lại thư từ thông cảm với nhau hàng ngày, chúng tôi có viết về nhau thì cũng là chuyện tự nhiên. Về mặt nhận thức mà xét, có thể tin chắc là trong khi kể về nhau như vậy, nếu biết khái quát, các nhà văn cũng có thể nêu được những vấn đề chung để những người khác, ở các ngành khác, tìm thấy sự đồng cảm. Kể ra vài chục năm trước, ở Hà Nội cũng đã tự nhiên hình thành một thứ thói tục không ghi thành văn bản, song ai cũng tuân theo, đó là “không cần và không bao giờ nên viết về giới của mình”. Người cầm bút lúc đó hay xấu hổ, ở chỗ riêng tư, người ta nói với nhau rằng nhà văn mà lại đi viết về chính đám viết lách quen biết thì nó “khỉ khỉ” thế nào ấy. Nhân vật trung tâm của văn học lúc ấy phải là con người ở các ngành nghề gian khổ khác... Nhưng thôi, những trò ấy, qua đi đã lâu, giờ cũng không nên nhắc làm gì nhiều.
*
Vốn liếng đã sẵn, còn viết ra sao? ở đây có thể thấy những cách thức khác nhau, trong việc chế biến tài liệu.
Trong một số ít trường hợp người ta chọn một cách làm kín đáo: Người viết chỉ sử dụng chi tiết về cuộc đời, lối nói năng sinh hoạt của các đồng nghiệp, rồi đổi tên và thêm bớt ít nhiều, hư cấu thành nhân vật là nhà văn nọ, nhà thơ kia. Ngay từ trước 1945, bạn đọc đã có dịp đọc mấy cuốn tiểu thuyết loại này như Mực mài nước mắt của Lan Khai, Bốc đồng của Đỗ Đức Thu. Đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, lại có Đôi mắt của Nam Cao với nhân vật chính là nhà văn Hoàng.
Cách đây mấy năm một tập truyện ngắn mang trên Tình vờ đã ra đời, ở đó, số phận đau xót và kiếp sống vật vờ của đám người cầm bút được miêu tả qua cái nhìn của những Nguyễn Cong Hoan, Bùi Hiển, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Triệu Huấn, Trung Trung Đỉnh...
Nhưng không phải nhà văn nào cũng viết được truyện ngắn hay tiểu thuyết, trong khi kinh nghiệm vốn liếng về người trong nghề thì đầy ắp chẳng kém ai. Để cho tự nhiên hơn và giúp bạn đọc hiểu mọi chuyện dễ dàng hơn, nhiều người gần đây có lối viết luôn về các đồng nghiệp, nhỏ thì như các giai thoại, các mẩu chuyện lớn hơn là các bài báo dài, các chân dung. Trong tình hình chung khi mà hoạt động phê bình còn yếu kém, những khô cứng và hời hợt còn kéo dài chưa biết bao giờ có cơ may sửa chữa, thì việc xuất hiện những mẩu chuyện, những bút ký, hồi ký mà ngươi trong nghề viết về nhau, quả dễ được chú ý: do sự sinh động hấp dẫn, chúng có khả năng trở thành một tư liệu giúp cho bạn đọc hiểu thêm về các sáng tác cụ thể, cũng như những con người cụ thể, đứng sau các sáng tác ấy, và suy rộng ra về cả giới cầm bút.
Một người như nhà văn Tô Hoài đã làm việc này khá đều đặn, và có được cái riêng của mình. Viết về Nam Cao, ông làm rõ cuộc đấu tranh giữa lương tâm, khát vọng, với những đòi hỏi lặt vặt hàng ngày ở một trí thức lớp dưới, tự trọng nhưng lại quá nghèo. Trong khi kể lại chất nghệ sĩ tự nhiên ở Nguyên Hồng, ông không quên chấm phá vài nét thất thường, đồng bóng ở tác giả Những ngày thơ ấu. Ông nhấn mạnhv ào đôi mắt “ngơ ngơ như nhìn đâu”, để rồi dự đoán về một căn bệnh tâm lý “không bình thường” ở Võ Huy Tâm, nó khiến cho những trang viết của nhà văn này khi được khi hỏng, đoạn rất hay, đoạn rời rạc, không đâu vào đâu. Đến cả với Nguyễn Tuân, Tô Hoài cũng không khuyên ta “kính nhĩ viễn chi”, mà qua việc kể lại những ỡm ờ, xục xặc, những thành kiến trong đối xử, lại khiến ta gần cụ Nguyễn hơn. Chỉ không hiểu sao một cách nhìn phải chăng như thế của Tô Hoài hoặc trước đó, của Nguyễn Công Hoan (trong hồi ký Đời viết văn của tôi) của Vũ Bằng (trong Bốn mươi năm nói láo) không được mấy người chia sẻ, mà phổ biến hơn ở đây, lại là một cách làm ngả sang tô vẽ, nó khiến cho người ta băn khoăn, ngờ vực, và đôi khi là cả khó chịu.
*
Trong con mắt những người bình thường, sự sáng tạo thường được tôn vinh như là một sự thăng hoa, một hành động siêu việt, một cái gì cao đẹp đánh dấu khả năng phi thường của con người... Tất cả những điều đó là đúng, nhưng chưa đủ. Đi vào bếp núc của nghề cầm bút, lại có thể thấy một sự thực khác. Khi đã trở nên một nghề kiếm sống, cái gọi là sự sáng tạo văn chương có những khía cạnh “y chang” như mọi nghề khác. Không phải ai cũng là thần thánh cao sang mà ở đây có rất nhiều người bình thường, thậm chí đôi khi phải nói có cả... ma quỷ. Kẻ có tài xen lẫn với người bất tài. Chuyện tầm phào ồn ào thường khi che lấp chuyện nghiêm chỉnh. Đáng tiếc là đáng lẽ phải viết về nghề văn với tất cả các sắc thái ấy, thì ở một số người có lối nhìn khá phiến diện. Vô tình hoặc cố ý không biết, song chỉ thấy họ trưng ra toàn những điều tốt đẹp. Công việc hàng ngày của người viết được bao phủ một lớp hào quang, tác phẩm nào cũng ra đời nhưng một sự xuất thần trong một phút mặc khải. Hiện lên sau các trang viết thường là các nhà vứn lúc nào cũng toàn tâm toàn ý với nghề. Người này mất ăn, mất ngủ vì một câu một chữ đã viết. Người kia thân tàn ma dại, vì những khát vọng cao siêu. Mượn cách nói của khoa nghiên cứu về tiểu thuyết, có thể bảo là tới nay trong câu chuyện mà những người trong nghề kể về nhau thường nghề viết văn vẫn được đặt vào một khoảng cách sử thi, tức lý tưởng hoá, chứ chưa được tiếp cận theo lối suồng sã như là chính nó vốn vậy.
Thoạt đầu, loại bài viết về đè tài này còn ít và người ta, có thể nghĩ rằng vào thuở ấu trĩ mọi chuyện như thế là khó tránh khỏi. Đến khi thấy những hồi ký, hồi ức, những kỷ niệm mẩu chuyện giai thoại xuất hiện ngày một nhiều mà cứ kéo mãi một kiểu, thì những nghi ngại bắt đầu xuất hiện. Khi một tác phẩm “thường thường bậc trung” cũng được mang ra bình tán khấn khứa, và cả những người viết làng nhàng cũng được dành cho những chữ nghĩa quá ư to lớn, người ta phải đặt câu hỏi: hay là ở đây có chuyện phỉnh nịnh đồng nghiệp, để đề cao chính mình, và lấy việc viết hồi ức, kỷ niệm, để xác lập một ít uy tín mà bằng chính tác phẩm từng người không thể làm nổi?
*
Có những tình thế thuộc loại tế nhị, ở đó tính mức độ dễ bị vi phạm, song bởi vậy, sự thận trọng lại càng đáng quý: chẳng hạn khi có một người viết văn qua đời. Thói thường, trước cảnh đau lòng, người ta sẵn sàng dành cho người đồng nghiệp xấu số những lời tốt đẹp nhất. Song giờ đây, khi những câu văn tế đọc bên nấm mồ cũng đã nhanh chóng trở nên văn bia vì ngay sau đó, nó được in lên mặt báo được tuyển vào sách (nghĩa là cái câu Khôn văn tế dại văn bia không đúng nữa), thì có lẽ nên bảo nhau tỉnh táo một chút. Không ai buộc anh phải nói hết sự thật về người vừa nằm xuống. Thậm chí phải thấy nói những lời lẽ ấy vào lúc ấy là bất nhẫn! Nhưng ngược lại, cũng không nên “phóng tay áo sô đốt nhà táng giấy” nói cả những điều không đúng sự thật về người vừa chết. Nhà văn Tô Hoài có lần than thở đại ý “Đọc những điếu văn với lại cảm nghĩ sau khi một nhà văn qua đời gần đây thấy hình như ai cũng là thiên tài cả, trong khi lúc họ còn sống, không phải thế!”.
*
Chỗ xuất phát của một số nhà văn khi đứng ra viết về người cùng nghề khá hồn nhiên và giản dị: Viết cho đời sống văn chương thêm cao sang, thêm hấp dẫn đáng yêu. Hoặc đôi khi chỉ là viết cho vui, hoặc muốn mang lại cho các đồng nghiệp, giữa cuộc đời buồn tẻ, một tí an ủi. Quả thật, nghĩ vậy, thì viết như vậy, cũng không có gì là lạ. Rồi bạn đọc cũng chỉ xem những lời ta ve vuốt nhau ấy như một cái gì vui vui, ngồ ngộ, đọc đấy mà cũng quên đấy.
Trong khi ấy, quanh chuyện này, có thể có cách nghĩ khác. Người viết coi mỗi khi đặt bút viết về đồng nghiệp là một dịp tự nhận thức. Từ những dòng viết sâu về nghề văn, học muốn hiểu thêm về năng lực và giới hạn của con người. Qua bóng dáng của một cây bút, họ muốn phác ra một mẫu người thời đại. Rồi ra, bạn đọc sẽ đối xử với những trang viết ấy ra sao, không nói chắc mọi người cũng biết. Chỉ xin lưu ý thêm rằng: để có được những trang viết như thế, mỗi người không chỉ cần có sự chân thành, lòng tốt, mà còn đòi hỏi cả sự dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật, cũng như khả năng vượt lên chính mình để đánh giá nghề mình một cách khách quan. Nói nôm na tức là ở đây cần có sự biết điều, không tự huyễn hoặc vô lối.
SỐ TRUY CẬP đang online