NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ HAY LÀ NHỮNG ÔNG ĐỒ GIỮA CHÚNG TA

Ở Bắc bộ, những ngày rét đậm, mưa bụi bay trời đất lâng lâng một vẻ lạnh lẽo, dịu dàng và thấm thía, chính là những ngày gợi nhớ đến Tết hơn cả. Lo Tết như thế nào đây? Phải có cái gì để ra vị Tết bây giờ? Mỗi người, kể cả những người sắt đá nhất, cũng không khỏi có lúc tự hỏi như vậy. Đời sống khấm khá lên thì tự nhiên cái yêu cầu thịt mỡ - bánh chưng xanh - dưa hành không thành mối bận tâm của ai nữa. Người sành sỏi và muốn ăn Tết cho hiện đại còn phải để mắt tới bao chuyện khác. Duy chỉ còn đôi câu đối đó là có chuyện. Đi giữa phố xá đủ loại màu sắc lộng lẫy của hàng hóa hiện đại, người quen Tết theo nếp xưa thường vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó, ấy là màu đỏ của giấy hồng điều và màu đen óng ánh của mực nho hảo hạng chuyên dành để viết câu đối. Vâng, lớp người có tuổi dễ nhớ như thế lắm. Nhất là khi mấy hàng chữ vuông viết trên giấy thắm gắn liền với hình ảnh một lớp người và một nền văn hóa. Trên đời này có cái gì mong manh yếu ớt hơn văn hóa nhưng cũng có gì lâu dài hơn văn hóa!

Nhắc đến câu đối Tết, nhiều người nhớ ngay đến bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Hình ảnh mở đầu quen thuộc tự nhiên, tưởng như rồi muôn đời vẫn vậy! Nhưng đến cuối bài thơ, tình thế đã khác hẳn:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Bài thơ được in lần đầu vào năm 1936 (trên báo Tinh Hoa). Nó như tiếng chuông gióng lên thời điểm bắt đầu của một quá trình lụn bại. Những tưởng từ đó, các ông đồ chỉ còn trong ký ức.
Nhưng không phải vậy.
Trong trí nhớ của lớp người phần chính trong đời thuộc về thế kỷ XX như tôi, thì ngay hồi Thủ đô còn bị tạm chiếm, hoặc hồi mới hòa bình lập lại, nghĩa là cuối những năm 50, đầu những năm 60, các ông đồ ấy vẫn còn. Trên vỉa hè Hàng Bồ, Hà Nội hoặc các phố lân cận, các ông vẫn ngồi xếp vòng tròn trên chiếc chiếu cạp điều hoặc mài mực, hoặc ngâm nga mấy câu thơ cổ. Dọc theo một sợi dây căng sát tường, đã kẹp sẵn vài đôi câu đối hoàn chỉnh. Mặt hàng có rồi, ai vội lấy luôn. Còn như ai có thời giờ ngồi chờ lấy đôi câu đối ông viết cho mình, đúng hơn là thích được chiêm nghiệm cái không khí thiêng liêng khi một vẻ đẹp được sinh thành, các ông cũng hào hứng chấp nhận.
Nghĩa là lớp người chúng tôi, cũng có những ông đồ của chúng tôi. Sót lại từ thuở Vũ Đình Liên, các ông có thể thưa dần, nhưng không bao giờ hết hẳn.
Khoảng từ cuối những năm 60, đầu những năm 70 trở đi, đến chơi nhà nhiều anh em trong giới văn nghệ vào những ngày Tết, đôi khi người ta vẫn bắt gặp những tờ giấy viết mấy câu chữ nho kín đáo treo ở một góc thành kính. Hỏi ra bao giờ cũng vậy, tác giả của các bức tranh chữ ấy thường không ngoài hai người là ông trạng Hoàng Trung Thông ("ông trạng họ Hoàng" như cách gọi của Chế Lan Viên) và nhà viết kịch giàu chất dân gian Tào Mạt.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì lối anh em trong nghề cho chữ nhau được Hoàng Trung Thông khởi xướng trước. Những năm cuối đời, bao chuyện phiền muộn, nhà thơ tìm cách khuây khỏa ở việc uống rượu và cho chữ. Nét chữ Hoàng Trung Thông khoáng đạt tung hoành, có cảm tưởng như khi viết những chữ ấy, Hoàng Trung Thông vừa già dặn nhưng vừa trẻ trung trở lại. Còn Tào Mạt, mỗi phen tha thẩn đến chơi nhà ai, ông cũng thích để lại cho gia chủ ít chữ kỷ niệm. Hóa ra con người dí dỏm và thích đi ấy, lại cũng là một người thâm nho đáo để! Thường thì vừa viết, ông vừa giảng giải thêm cho người sẽ nhận chữ, rằng mấy câu viết đây có nghĩa thế này... thế này... Và người yêu cái phong vị câu đối của ngày Tết có thể sung sướng mà nghĩ rằng mình yêu một, thì người vừa cho chữ mình, còn yêu những dòng chữ ấy mười lần. Và bởi lẽ đó là một tình yêu vô tư không vụ lợi, nên người ta càng biết rằng chỉ có trân trọng, chứ không có cách gì đền đáp nổi.
Cùng với Hoàng Trung Thông và Tào Mạt, tôi nhớ suốt hai cuộc chiến tranh đã có một lớp ông đồ tồn tại. Họ nhận đủ các công tác được giao phó. Trở thành lương y. Dạy học. Dịch sách. Thậm chí làm nhiều công việc không liên quan gì đến nền văn hóa cũ. Bề ngoài, họ mặc áo lính, áo cán bộ. Nhưng để ý kỹ, vẫn thấy ở họ in dấu cái thời niên thiếu được vỡ lòng bằng những con chữ thánh hiền và đến bây giờ, trong tâm hồn họ, vẫn còn phảng phất bóng dáng ông đồ ngày xưa mà họ kính trọng. Nói hẹp trong phạm vi giới cầm bút mà tôi biết, ấy là những Khương Hữu Dụng, Trinh Đường, Vĩnh Mai ở Hội Nhà văn, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Xuân Sách ở Văn nghệ quân đội. Lúc đùa vui, họ vẫn tự xưng hoặc tôn vinh nhau là những đồ Quảng, đồ Thanh, đồ Nghệ (đồ Nghệ đông nhất!). Có một thứ trò chơi, mà chỉ họ thấy hào hứng và dám chơi, đó là làm thơ, hoặc thách nhau họa thơ Hán. Quả là những trò chơi sang trọng mà đám đồ Tây, dù tài trí đến đâu, vẫn phải bái phục. Cũng trong phạm vi những ông đồ còn sót lại và mắc vào cái lụy văn chương, tôi còn thường nhớ đến một người mới mất hồi đầu năm 1994. Tên thật của ông là Đỗ Văn Hỷ, nhưng hầu như tất cả những người quen đều gọi ông là đồ Hỷ. Bởi cả khi vận Âu phục đăng đàn diễn thuyết hẳn hoi thì trong cái dáng mảnh mai, lối nói hơi khô khan, và cái nhìn chăm chú của ông, người ta vẫn nghĩ đến một ông đồ. Ở Viện Văn, nơi ông công tác, Đỗ Văn Hỷ chuyên sưu tầm nghiên cứu quan niệm văn học của ông cha. Cuốn sách duy nhất đứng riêng tên Đỗ Văn Hỷ Người xưa bàn về văn chương, chỉ in ra trước khi ông mất ít lâu. Nhưng số phận đứa con một của ông đồ qua thời đó, cũng không may mắn gì hơn tác giả. Hầu như không ai nhắc nhở đến nó, trong khi ai cũng biết rằng lứa thầy đồ học chữ Hán theo lối các cụ ngày xưa, lứa thầy đồ ấy chỉ còn những người cuối cùng.

Có thể còn nhiều ông đồ khác tồn tại mấy chục năm nay, mà người viết bài này không biết, nhưng sau hết có một ông đồ nữa. Một ông đồ mặc áo cán bộ, mà nếu như không nhắc tới, tôi sẽ rất ân hận, đó là nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn. Mình gầy vóc hạc, nhiều phen vào thư viện ông còn nhai trầu bỏm bẻm. Từ tiếng Pháp đến tiếng Nhật, ông đều sử dụng được. Nhưng phần sâu nặng nhất của Bùi Hạnh Cẩn là chữ Hán. Tuổi ngoại 70, ông vẫn thích đọc và thích viết bằng thứ chữ ông học cùng với Nguyễn Bính khi còn để chỏm.
Mấy năm trước đây, dọc phố Bà Triệu, quãng từ đường Trần Hưng Đạo đến đầu Ngô Văn Sở, có một nhóm nhà nho bày bán những đôi câu đối, bức đại tự viết chữ Hán, Bùi Hạnh Cẩn đấy! Bùi Hạnh Cẩn với mấy người bạn đấu đầu cùng làm, trong cảnh chợ chiều, khai trương ngôi hàng mới. Nghe đâu các ông (hay riêng Bùi Hạnh Cẩn?) còn mang chữ đi triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh và được đón tiếp nồng hậu lắm. Nhưng ở Hà Nội, cửa hàng bán chữ vỉa hè của họ đâu có thọ. Mà làm sao nó thọ nổi! Riêng cái việc chữ ta - tên các cụ xưa gọi chữ Hán - bày ở một phố Tây, đã là sự cám cảnh rồi. Và người ta lại cám cảnh khi nghĩ đến những người bán hàng, cũng là người đại diện cho một nền văn hóa cổ truyền, mà điều đáng cảm phục không phải là ở chỗ nay nó vẫn nảy sinh và dồi dào sức sống, mà ở chỗ thoi thóp mãi, nó vẫn không chết.
SỐ TRUY CẬP đang online