LÀM SAO ĐỂ VƯỢT LÊN TRÊN TÌNH TRẠNG TỰ PHÁT VÀ MANH MÚN?

Vài nhận xét về kiến trúc hiện thời từ góc độ
người nghiên cứu văn hóa.

Ở xã hội ta hiện nay giữa các ngành nghệ thuật thường có một sự phân cách rõ rệt: người ở ngành này mà đứng ra phát biểu về ngành khác, thì chưa biết hay dở thế nào, người ta đã cho là không biết điều, hàm hồ, hiếu sự. Nhưng theo ý tôi đó là một lối nghĩ đã cũ. Sở dĩ một số người thích tạo ra sự phân cách đó là vì họ muốn biến lĩnh vực mà họ đang quản lý thành một lãnh địa riêng, mặc sức thao túng. Kinh nghiệm cho thấy nhân danh "đóng cửa bảo nhau", người ta rất dễ lấp liếm chỗ sai chỗ dở rồi dẫn đến tình trạng mẹ hát con khen hay nghe rất khó chịu. Trong thời đại hiện nay, mọi mối quan hệ đang được mở ra rộng rãi thì chúng ta cũng nên nói về nhau một cách chân thành, xem đó là một cách để giúp đỡ nhau thiết thực. Đấy là lý do khiến tôi xin phép được nói một vài suy nghĩ về tình trạng xây dựng - kiến trúc hiện thời.
Xu thế tự phát kéo dài
Sau mấy chục năm chiến tranh ròng rã, trong hơn hai thập kỷ gần đây, ở ta, từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng thấy bừng lên một không khí xây dựng, trước là có nơi ở cho tiện lợi, sau là làm đẹp thêm chung quanh. Đã một thời gian sống quá chật chội, tăm tối, một số người nay nhìn những cái mới mọc lên, thường mê man sung sướng. Nhưng thử tách mình ra một chút để nhìn bao quát chúng ta thấy gì?
Theo ý tôi, đặc điểm lớn nhất của công việc xây dựng vừa qua là lối làm ăn tự phát, thiếu tính toán, thiếu khoa học, gặp đâu làm đấy, tạo nên một tình trạng nham nhở chắp vá.
Chiến tranh là chuyện tàn phá. Để mau chóng chiến thắng, nhiều khi chúng ta đã phải tìm cách phá với bất cứ giá nào. Ngược với chiến tranh, hòa bình là xây dựng. Nhưng hình như trong nhiều trường hợp, cái tinh thần nói trên của thời chiến vẫn được giữ lại, và chỉ đảo ngược đi một chút: nếu chiến tranh là phá với bất cứ giá nào thì hòa bình là xây dựng với bất cứ giá nào.
Có nhiều hậu quả nảy sinh từ lối xây dựng "với bất cứ giá nào ấy": giá thành cao, chất lượng thường kém cỏi v.v...
Nhưng trước tiên, hãy nói ở góc độ kiến trúc. Trong từng gia đình cũng vậy, mà trong phạm vi rộng rãi hơn, một cơ quan, một ngành một bộ, và cả thành phố cũng vậy, ban đầu có ít tiền, chúng ta chỉ tạm xây dựng theo những kiểu mẫu cũ và một ít hiểu biết sơ sài cổ lỗ về sự tiện nghi và vẻ đẹp. Sử dụng một thời gian rồi mới phát hiện ra rằng chưa hay lắm. Trong khi ấy, lại có thêm ít hiểu biết mới. Thế là cái gì xây rồi thì bấm bụng chịu (hoặc bỏ tiền cơi nới tân trang chút ít), còn những cái chưa xây thì quyết phải làm theo mốt mới! So sánh ngôi nhà nọ với ngôi nhà kia, dễ dàng nhận ra sự tiến bộ. Nhưng nhìn chung cả một dãy phố một thành phố thấy chẳng ra trật tự kiểu cách gì cả. Đại khái giao thông trên đường, ô tô xe máy xe đạp người đi bộ chen chúc lộn xộn như thế nào thì trong kiến trúc cũng bày ra sự hỗn độn như vậy.
Xin tạm gọi tình trạng nói trên là tình trạng tự phát tức là buột ra mà làm, làm lấy được, vừa làm vừa học, làm những cái vĩnh viễn bằng tâm lý ăn xổi ở thì và những hiểu biết nông cạn. Rồi chúng ta lại đã trở thành nạn nhân của những tùy tiện đỏng đảnh trong cái gu thẩm mỹ của chính mình mà không hay biết.
Manh mún, tùy tiện, thiếu quy hoạch
Một khía cạnh khác, cũng đã trở thành một đặc điểm của kiến trúc gần đây, ấy là tính chất manh mún lặt vặt. Cả thành phố cùng lúc xây dựng nên rất nhiều nhà. Nhưng mỗi nhà một kiểu, và hình như các ông chủ không hề nghĩ rằng cần biết là mình ở trong một toàn cảnh phố xá thế nào để tự điều chỉnh cho thích hợp. Ở đây, có vấn đề của văn hóa chung sống: hiện thời, có nhiều việc quan trọng, đáng lẽ ra cả xã hội phải cùng lo, để có một đối sách thống nhất, thì lại diễn ra theo công thức "đèn nhà ai nhà nấy rạng" và kiến trúc cũng không thoát khỏi tình trạng đó. Lại có vấn đề cụ thể của quản lý đô thị (ở Trung Quốc, tôi thấy người ta kể là không bán cho mỗi người vài chục mét đất rồi ai muốn xây kiểu gì thì xây mà nhà nước cho các công ty đứng ra đảm nhận việc xây dựng cả một khối nhà lớn, hoặc cả một dãy nhà khác nhau trong sự phối hợp đồng bộ, rồi cho người mua lựa chọn, tiền nào của ấy). Nhưng để cái đó sang một bên, hãy nói về trách nhiệm của những người làm nghề kiến trúc. Có lần, đọc báo, tôi được biết là ở các trường kiến trúc hiện nay, sinh viên không muốn học quy hoạch và ra trường rất ngại làm quy hoạch vì không kiếm được đồng tiền trực tiếp từ tay người muốn xây dựng. Kết quả ra sao? Có thể nói chúng ta có một nền kiến trúc chỉ nghĩ đến từng ngôi nhà, chứ không nghĩ rộng ra đến cả những quần thể kiến trúc, cả một dãy nhà, cả một khu phố. Trong trường hợp ấy, như chúng ta đều biết, một ngôi nhà dù đẹp đến mấy, cũng trở nên thảm hại giữa những ngôi nhà hàng xóm hoặc xấu xí hoặc cũng đẹp, nhưng lại hoàn toàn theo một kiểu cách khác. Ai đang chịu trách nhiệm về tình trạng này? Hình như chả có ai hết.
Văn hóa và bản sắc
Một số người thường quan niệm văn hóa một cách đơn giản như sau: cứ làm mọi việc theo cách của mình, và nếu như cách đó không giống ai cả, tức là chúng ta đang có một nền văn hóa độc đáo. Nhưng muốn cho chính xác, phải nói ngược lại: hoạt động của con người chỉ trở thành văn hóa khi vượt qua giai đoạn tự phát như trên, để đạt tới một độ chín, độ ổn định vững chắc. Ở đây, luôn luôn cần nhắc tới vai trò của lý tính. Nói như một nhà triết học Đức, ông O. Spengler (1880-1936): "Văn hóa là khuynh hướng tinh thần của một dân tộc đã hoàn tất một ý tưởng nào đó về thế giới. Và khuynh hướng tinh thần xét như một ý niệm nhất trí ấy đã xâm nhập vào tất cả mọi hoạt động của họ, như nghệ thuật, tôn giáo, chính trị." (những chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi - V.T.N.). Xét theo những tiêu chuẩn này thì nền kiến trúc tự phát, manh mún của chúng ta hôm nay chưa thể gọi là văn hóa, mà là một cái gì tiền văn hóa. Nhưng vì là kiến trúc xây dựng, là những thực thể vật chất được hình thành trên một đất nước nghèo nàn, nó sẽ còn đứng đó để hành hạ chúng ta nhiều năm về sau.
Có một khái niệm giờ đây thường được nhắc tới là bản sắc văn hóa dân tộc. Liệu người ta có thể nhận ngay ra những nét thần thái của văn hóa Việt Nam bộc lộ qua kiến trúc? Dĩ nhiên là chưa. Thậm chí còn có thể nói là đang có dấu hiệu của sự khủng hoảng bản sắc, chẳng hạn đi cóp mấy kiểu nhà Trung Á, hoặc Ả rập một cách ngô nghê. Nhưng đấy là chuyện quá sơ đẳng. Theo tôi nghĩ, bản sắc không chỉ bộc lộ qua một vài chi tiết trang trí, những mô-típ lặp đi lặp lại, mà là trong toàn bộ hồn cốt của một nền kiến trúc. Do điều kiện của toàn cầu hóa, kỹ thuật hiện đại được chuyển giao khá nhanh và hình như chẳng nước nào từ chối nổi. Chỉ nhìn trên màn ảnh truyền hình đã thấy giờ đây đâu đâu các thành phố lớn cũng bao gồm hàng loạt nhà vài chục tầng như những cái hộp lớn xếp chồng cạnh nhau. Trong hoàn cảnh ấy, một người ngoại đạo như tôi nhận thấy cái riêng của một dân tộc không hiện ra trong từng ngôi nhà mà là trong phong cách xây dựng nói chung, tức là cái tinh thần toát ra qua việc bố trí thành phố, sắp đặt những công trình kiến trúc cho hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên sẵn có và tạo ra sự ăn ý giữa cái mới xây dựng với những công trình cổ nay đã trở thành biểu trưng của một vùng đất,
SỐ TRUY CẬP đang online