LÀM NHƯ THẾ NÀO CHO CÓ HIỆU QUẢ?

Không được tính kỹ
Tôi viết những dòng này để nhận lỗi. Có những công việc sở dĩ người khác làm là do có sự cổ vũ của mình. Giờ đây người ấy đang lao đao khổ sở, làm sao mình sống bình yên cho được.
Nguyên vợ chồng tôi có quen gia đình anh T. Quê T. ở một vùng đất trung du, giá kể trồng cây ăn quả thì rất hợp. Nhưng ở quê T. xưa nay người ta không tính chuyện đó, mà gia đình T. cũng vậy, chỉ xoay vào làm ruộng. Cho đến cái ngày vợ chồng tôi thăm gia đình anh. Trong đầu đầy ắp những kiến thức do báo đài cung cấp, rằng phải chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phải có nông sản hàng hóa..., bọn tôi ra sức khuyên T. mạnh dạn theo với sự chuyển hướng chung của cả vùng, đầu tư vào việc trồng cây ăn quả.
Và bây giờ thì tình cảnh của gia đình T. và dân trong vùng tóm lại trong một chữ: bí. Sản phẩm làm ra không nơi tiêu thụ. Giá rẻ, một cân nhãn mấy năm trước có khi lên đến hơn hai chục ngàn, nay chỉ lơ lửng dăm sáu ngàn. Mà người về cất hàng còn chê ỏng chê eo. Nhìn quả chín trên cây mà buồn. Và sau khi tính toán là lỗ vốn lớn, mọi người bàn nhau chỉ có cách quay về làm ruộng cho chắc ăn!
Trong khi đâu đâu cũng có phong trào trồng cây ăn quả thì các địa phương không tính chuyện xây nhà máy chế biến. Và thị trường thu hẹp. Và tư thương ép giá... Tôi biết có hàng lô lý do khiến cho tình thế các vùng cây ăn quả trở nên bi đát. Nhưng vượt lên trên một sự thất bại cụ thể, tôi nghĩ tới một sự đổ vỡ lớn hơn: từ nay, những người như T. không dám thay đổi nữa. Thôi, cứ theo kiểu cũ mà làm, chứ càng "quẫy" lắm càng sầy "vẩy".
T. không trách gì tôi.
Nhưng tôi cứ cảm thấy mình có lỗi và thầm nói với mình: chẳng lẽ số phận chúng ta là cứ phải sống nghèo mãi?!
Đầu tư
Sau khi phản ánh tình hình sản xuất ở một địa phương, nhiều phóng viên phát thanh hoặc truyền hình thường kết thúc chương trình bằng một câu đại ý:
- Địa phương X... rất mong được đầu tư tiếp tục.
- Nếu được các cơ quan hữu trách quan tâm đầu tư, thì tình hình ở đây có thể...
Thú thực, nghe mãi cái câu đã thành công thức đó, tôi thấy hơi buồn. Mười nơi được nhắc nhở thì có đến chín nơi yêu cầu đầu tư, cấp trên biết lấy đâu ra? Sao không tính chuyện đóng góp, mà toàn lo rút ruột nhà nước như vậy? Đã thành cái dớp trong lối tuyên truyền của chúng ta là việc gì cũng chỉ nói mở đầu, còn kết thúc ra sao không ai cần biết. Trước khi kêu gọi những vụ đầu tư mới, sao không có những chương trình nhìn lại cho sòng phẳng những đợt đầu tư đã qua?
Tuy nhiên, vẫn xung quanh chuyện đầu tư, còn nhiều vấn đề đáng nói mà chưa được nói. Ấy là, chẳng hạn, nên đầu tư như thế nào, hiểu về đầu tư ra sao?
Trên báo Nông thôn ngày nay số 29, ra 22-7-1998, tôi đọc được đoạn tin ngắn kể rằng hành tỏi ở Gia Lương (Hà Bắc) đang bí đầu ra. Bí không phải vì không có thị trường mà "chẳng qua canh tác trên vùng đất bạc màu, chăm bón thiếu đồng bộ, nên củ tỏi ngày càng bé đi, không đạt yêu cầu xuất khẩu". À ra thế! Lại nhớ mấy năm nay, năm nào cũng thấy đưa tin các viện khoa học mừng công, còn các loại danh hiệu tiến sĩ, phó tiến sĩ mọc lên như nấm, sao không thấy nơi nào giúp cho nông dân có được giống tỏi không bị thoái hóa? Hay là người ta không coi đấy là đầu tư cho nông nghiệp nên không chịu làm? Vâng, có một điều lạ, là đáng nhẽ phải hiểu hai chữ đầu tư, theo một nghĩa thật rộng rãi, thì ở ta, cả người đi đầu tư lẫn người nhận đầu tư đều quy chuyện này về một nghĩa duy nhất là tiền. Mà cách hiểu ấy, thường được các cấp trung gian ủng hộ. Ngẫm cho kỹ thì thấy: Khi tiền chạy, nhiều người có lợi lắm. Tỉnh có thể cấu ra một ít, huyện có thể xắn vào một ít, đến nông dân còn được bao nhiêu không cần biết. Có lẽ cái chuyện đầu tư cứ ì ạch mãi ở một nghĩa duy nhất, lý do sâu xa còn là ở chỗ đó!
Chuyện quanh mấy mớ cá rẻ
Chị T. cơ quan tôi quê ở một huyện ven biển Nam Định. Từ hồi còn chiến tranh, có cái lệ là khi nào từ quê lên, T. cũng mua hộ anh chị em trong cơ quan một ít hải sản. Thường là hàng khô. Nhưng cũng có khi có cả những cân tôm, cân mực còn tươi. Mặc dù từ lâu đã biết rằng cái cảnh ngả ngay ra giữa cơ quan mà chia tôm chia cá trông không đàng hoàng cho lắm, song được cái hàng mua tận gốc, giá rẻ, nên ai cũng thích. Quen đi thành lệ. Mỗi lần thấy T. về quê là mọi người lại chuẩn bị tiền để lấy hàng.
Nhưng đến lần T. về quê gần đây, thì cái hy vọng ấy tắt ngóm.
T kể: "Không thể mua nổi nữa. Có một tay buôn đã thâu tất. Bao nhiêu của ngon họ mua về cho các khách sạn trên tỉnh và cả ở Hà Nội. Ngay đến dân sở tại cũng chỉ còn tôm vụn, cá tép, mà họ đã thải ra".
Vừa nghe đến đó, mấy bà sồn sồn nổi máu thắc mắc:
- Thì thì còn ra cái quái gì nữa! Bất công! Vô lý!
Nhưng cũng có người ra vẻ hiểu biết giảng giải:
- Thời buổi kinh tế thị trường người ta vận chuyển đi xa như thế cho hàng hóa lưu thông. Nơi nào sản xuất thì hàng rẻ thối ra, người ở xa tới không phải dân buôn cũng khuân một ít về chia nhau hoặc bán lại - đấy là những lối làm ăn ngày xưa. Giờ đây phải có cách khác.
Ờ, nghe cũng có lý quá! Mọi người chưng hửng, có bà còn thoáng một chút ngượng nghịu về cái sự tham rẻ của mình. Chỉ riêng có một anh túc tắc bổ sung thêm:
- Cũng được, chẳng tiếc mớ cá rẻ như chẳng tiếc thời bao cấp làm gì. Chỉ sợ, cái gọi là lối làm ăn mới, chẳng mấy chốc biến chất, có tư thương hoặc có công ty nhà nước về đấy, nhưng lại chỉ cốt kiếm lợi, tư thương thì móc với chính quyền rồi dìm giá, khiến cho người có hàng bị bán rẻ. Người tiêu dùng không có cái để mua hoặc chỉ có cách ăn giá cao, cái đó mới thực phiền phức. Không biết cá ở quê bà T. đã rơi vào tình trạng ấy chưa, nhưng lúa ở nơi này, hoa quả ở nơi kia, đã bị khốn khổ đủ đường. Tóm lại, lối làm ăn cũ đã chán, mà cái mới cũng chẳng ra gì, thế mới ngao ngán.
Khôn và dại
- Nói khí vô phép, nuôi được con gà, con lợn, cấy được tạ thóc mới khó, chứ có hàng rồi, tôi bán cho ai chẳng được? Mà khi đã cầm đồng tiền trong tay - có thím anh biết đấy - Tôi mua cái gì giá cũng sát sàn sạt, đố anh nào bắt bí nổi!
Tôi không nhớ rõ là ai, nhưng đúng là một trong số rất nhiều ông chú họ của tôi ở quê đã nói như vậy. Và có một thời gian dài, cả tôi lẫn các ông đều tin chắc như đinh đóng cột rằng để đời sống nông thôn được cải thiện, phải giúp nhau sản xuất là chính, mọi chuyện còn lại, tự mọi người lo lấy (cho đến cả trên mặt báo, xưa nay, giống má, cấy hái, thuốc trừ sâu... vẫn là đầu vị, chứ mấy khi nói tới chuyện mua bán).
Thế rồi trong thực tế thì sao?
Phải nói là nếu để ý, sẽ thấy hàng ngày có bao nhiêu việc liên quan đến đồng tiền, đã khiến chúng ta vui đó lại buồn ngay đó. Vặt vãnh như khi có đàn gà nhép, buồng chuối xanh mang ra chợ ngồi cả buổi không ai hỏi lại mang về. Lớn lao như chuyện để ra được mấy tạ thóc, phơi khô quạt sạch, không bán được vì bị tư thương ép giá. Chuyện ham rẻ, mua phải miếng thịt ôi, về ăn cả nhà đau bụng là chuyện thời nào cũng có, chả nói làm gì. Khốn khổ hơn là ham rẻ, mua mấy thứ hàng công nghiệp, cái xe, cái đài, về dùng không được như ý, song đâu có phải mỗi chốc đã vứt đi ngay được. Trong thời buổi hàng hóa giao lưu ồ ạt, chính cái việc sử dụng đồng tiền là điều các gia đình nông dân cần được hỗ trợ. Có thể nói bà con cần phải học nữa. Nhưng xưa nay chỉ biết đoán mò nghe lỏm, chứ đã có ai mách bảo cho rành mạch - lúc mà những ông chú tôi biết được cái dại cái hớ của mình cũng là lúc từng người đã khôn lên được tí chút.
SỐ TRUY CẬP đang online