GÌN GIỮ LẤY SỰ THIÊNG LIÊNG

Hội chứng ngán Tết

- Con chán Tết lắm! Thỉnh thoảng trong các gia đình, người ta vẫn nghe lũ trẻ mười lăm mười bảy, tính nết còn lông bông buột miệng kêu lên như vậy - cái sự buột miệng ở đây phải được coi là láo lếu, quá đà, đến mức chưa nghe hết lời người ta đã phải xua tay ra hiệu cho kẻ bất trị kia ngừng ngay, không được tiếp tục cái bài ca tùy tiện ấy nữa.
Nhưng nếu tôi không lầm, lúc chỉ còn người lớn với nhau cũng nhiều phen ngán ngẩm: Quả thực nghĩ đến Tết mà sợ!
Hội chứng ngán Tết chắc chắn không phải là một căn bệnh nặng và rồi người ta cũng vượt qua rất nhanh, tới mức lúc mơ hồ nghĩ lại, có cảm tưởng hình như đó là chuyện của ai kia, chứ không phải chuyện của mình. Song nghĩ cho cùng, đấy vẫn là một trạng thái tâm lý có thật, và cùng với thời gian, nó không bớt đi, mà có cơ trở lại trong tâm lý chúng ta thường xuyên hơn.

Những tập tục chưa biết bao giờ thay đổi

Vì đâu có hội chứng ngán Tết? Để chuẩn bị cho một ít ngày vui, thường thường người ta phải ném vào đấy không ít thì giờ. Tập tục quá nặng, những tập tục này vốn chỉ thích hợp với một xã hội cổ điển (mà phong cách chính là chậm rãi từ tốn) nay bước sang thời buổi của tốc độ, nhiều cái chưa thay đổi kịp. Kể ra đã có một vài món ăn như bánh chưng, như dưa hành, trước kia nhà nào cũng phải tự tay làm lấy, nay đã đi mua về dùng. Nhưng còn trăm thứ bà giằn những qui định linh tinh khác. Người ta cứ phải trông nhau mà nói năng cư xử, và lúc nào cũng canh cánh nỗi lo là không khéo thì sẽ phạm thượng. Hình như chính trong những ngày vui vẻ này, lại thấy ngự trị nhiều khuôn sáo hơn bao giờ hết? Lấy một ví dụ, cái việc phải tới nhà nhau, chúc tụng nhau những câu quen thuộc, không phải ai cũng đủ sức làm cho nó khỏi trở thành sáo rỗng.

Cuộc cạnh tranh ngấm ngầm!

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết. Giàu có ba mươi Tết mới hay. Câu tục ngữ ấy giả định ngày Tết như một sàn diễn, ở đó bộc lộ thực chất giàu mạnh của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Với một số người, Tết là một trong những dịp hiếm hoi để bộc lộ chỗ hơn đời. "Nhà nào cũng có cây quất, song đẹp nhất phải là cây nhà mình" - người ta tự nhủ, và tương tự như thế, lao vào cuộc chạy đua chung quanh những gì tưởng là bình thường nhất: một bức tranh treo trên tường, một món ăn, một chai rượu. Vô hình trung, vui Tết đã trở thành một cuộc đua chen, đua mãi rồi có lúc lại cảm thấy vô nghĩa.

Sự trớ trêu thường trực

Thời nào thì mục hài hước ở các báo cũng có nhiều người đọc, dù là ở đây, người ta thường vẫn bắt gặp cảnh xào đi xáo lại. Như một bức tranh cùng một ý nhưng có nhiều họa sĩ thể hiện: mùa xuân, một cô gái đang ngồi mơ mộng trước cành đào, cạnh đó là một cậu bé đang hớt hải như từ đâu chạy vội về phá tan phút lãng mạn của bà chị. Chú thích tranh:
Xuân về lòng nở trăm hoa (lời chị)
Chị ơi, mẹ bảo chị ra cọ nồi (lời cậu em)
Bức tranh này có lúc còn được cải biên chút ít - thay cho người chị là một ông bố đang cao hứng ngâm thơ: Xuân sang dạ những bồi hồi. Và thay cho đứa em, là cậu con trai từ bếp chạy lên, hớt hải báo tin dữ (?) Bố ơi mèo xực mất nồi cá kho! Đã là sự trớ trêu của những ngày Tết, cái trớ trêu thường trực, nảy sinh từ một bên là ao ước, một bên là thực tế. Làm sao điều chỉnh bây giờ? Cả một nghệ thuật!

Có thể và nên nghĩ lại về... Tết

Thế có phải như vậy có nghĩa tôi đề nghị mọi người nên bỏ Tết, bỏ hết những dịp hào hứng đón xuân và chỉ sống những ngày đều đều tẻ nhạt? Không, tôi không ngớ ngẩn đến mức như vậy!
Trong truyện ngắn Không có vua, Nguyễn Huy Thiệp từng có hai câu tả phút giao thừa mà riêng tôi cứ nhớ mãi "Trời đất giao hòa. Lòng người cảm động". Hóa ra ngòi bút vốn nổi tiếng là gai ngạnh, bất cần, con người thích nói về sự phá phách, sự hư hỏng, con mắt nhìn đâu cũng ra chuyện lưu manh tàn bạo, rồi con người ấy cũng phải để cho sự thiêng liêng có mặt trong tác phẩm của mình, và khi nói về sự thiêng liêng ấy, ngòi bút ông cũng trở nên đằm hẳn đi, chữ nghĩa cổ kính, câu cú đăng đối, như mọi người khác.
Sự có mặt của những ngày lễ là một nhu cầu của chính đời sống. Nhắc hội chứng ngán Tết và mấy chuyện trớ trêu ở đây chẳng qua là để cùng nhau nghĩ thêm về Tết. Vâng, đấy là việc có thể, và nên làm! Đừng nên cho rằng đã gọi là tập quán ngàn đời thì không được nghĩ đến nữa, cứ xưa sao nay vậy. Ngược lại, phải tìm ra cách đón Tết, vui Tết hợp lý nhất. Làm sao để có nghi thức mà không rơi vào lối mòn giả tạo, gây dựng được không khí đầm ấm của cộng đồng mà không làm mất sự riêng biệt của cá nhân, tiếp tục tập quán cổ truyền mà lại phù hợp với cuộc sống thời nay. Tóm lại là gìn giữ được sự thiêng liêng thực sự, cái thiêng liêng không có gì chung với thói mê tín vụ lợi.
SỐ TRUY CẬP đang online